Việc ứng dụng công nghệ siêu âm từ trường, kết hợp vật lý và hóa học trong quá trình sản xuất tinh bột biến tính giúp giảm thời gian phản ứng so với phương pháp truyền thống, đồng thời giảm hàm lượng phụ gia sử dụng, từ đó tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu đầu vào.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng hữu ích
Trong sản xuất thực phẩm, tinh bột biến tính là nguyên liệu được sử dụng nhiều với đặc điểm là độ ổn định, trong suốt và nhiệt độ hồ hóa thấp. Tinh bột biến tính có nguồn gốc từ thực vật như lúa mì, khoai tây, ngô – bắp, khoai mì – sắn, được ứng dụng như một chất làm dày, chất ổn định, chất nhũ hóa, chất kết dính trong ngành thực phẩm, giấy và các ngành công nghiệp khác.
Một số loại tinh bột biến tính phổ biến hiện nay là: Acetylated Starch (E1420), Phosphated Starch (E1412), Acetylated Distarch Adipate (E1422)
Loại tinh bột này được tạo ra bằng cách xử lý vật lý, hóa học hoặc hóa sinh (enzyme) tinh bột tự nhiên để thay đổi, tăng cường tính chất mới bằng cách phân tách, sắp xếp lại hoặc tổng hợp nên các nhóm thế mới. Tuy nhiên, phương pháp biến đổi tinh bột bằng vật lý và hóa học truyền thống có nhược điểm là thời gian phản ứng kéo dài, hiệu suất phản ứng chưa cao. Do đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, cần thiết phải cải tiến nhiều yếu tố như gia tăng khả năng khuấy trộn, điều khiển điều kiện phản ứng (nhiệt độ phản ứng, thời gian phản ứng), v.vv…
Xuất phát từ thực trạng đó, Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Sau thu hoạch đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp áp dụng công nghệ siêu âm từ trường, kết hợp vật lý và hóa học trong quá trình sản xuất tinh bột biến tính E1420. Giải pháp này có thể được áp dụng trong sản xuất tinh bột biến tính ở quy mô công nghiệp.
Dễ áp dụng trong thực tiễn
Theo Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Sau thu hoạch, ưu điểm của giải pháp sản xuất tinh bột biến tính E1420 ứng dụng công nghệ vật lý siêu âm từ trường là giúp nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và tiết kiệm năng lượng. So với phương pháp truyền thống, thời gian phản ứng có thể rút ngắn xuống còn từ 1/2- 2/3, đồng thời giải pháp mới này cũng làm giảm hàm lượng phụ gia sử dụng.
Chi phí đầu tư cho giải pháp sản xuất tinh bột biến tính E1420 ứng dụng công nghệ vật lý siêu âm từ trường công suất 3 tấn/giờ (hoặc 72 tấn/ngày) vào khoảng 11 tỷ
Bên cạnh đó, việc áp dụng giải pháp công nghệ vật lý siêu âm từ trường để sản xuất tinh bột biến tính E1420 cũng khá đơn giản. Theo đó, với các nhà máy sản xuất tinh bột khoai mì khi đầu tư công nghệ vật lý siêu âm từ trường để sản xuất tinh bột biến tính E1420/E1422 thì chỉ cần đầu tư thêm hệ thống thiết bị vật lý và bồn khuấy trộn phản ứng. Còn nếu muốn sản xuất những loại tinh bột biến tính khác như E1412 tinh bột biến tính photphat đã được hồ hóa thì ngoài những thiết bị nêu trên, sẽ cần thêm một số thiết bị như hệ thống sấy thùng quay, thiết bị nghiền.
Đối với những doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu tinh bột biến tính để chế biến thành phẩm (tương ớt, tương cà…) thì có thể nhập tinh bột thường, chỉ cần đầu tư thêm công nghệ và hệ thống thiết bị vật lý cùng bồn khuấy trộn phản ứng là có thể sản xuất tinh bột biến để sử dụng.
Đại diện Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Sau thu hoạch cho biết, chi phí đầu tư cho giải pháp sản xuất tinh bột biến tính E1420 ứng dụng công nghệ vật lý siêu âm từ trường công suất 3 tấn/giờ (hoặc 72 tấn/ngày) vào khoảng 11 tỷ. Thời gian hoàn vốn dự kiến là sau 12 tháng. Trong đó, chi phí thiết bị và công nghệ cho mỗi tấn tinh bột vào khoảng 1,4 triệu đồng/tấn.
Thu Trang