Saturday, 23/11/2024 | 08:43 GMT+7

Chương trình dán nhãn năng lượng: Phát huy hiệu quả, đi đúng lộ trình

19/01/2015

Chương trình dán nhãn năng lượng đã nhận được vào cuộc một cách đồng bộ và tích cực của các Bộ, ngành liên quan, đồng bộ từ trung ương đến địa phương

Chương trình dán nhãn năng lượng đã nhận được vào cuộc một cách đồng bộ và tích cực của các Bộ, ngành liên quan, đồng bộ từ trung ương đến địa phương

Bắt đầu từ ngày 1/7/2013, một số sản phẩm thuộc nhóm thiết bị gia dụng đã bắt buộc thực hiện dán nhãn năng lượng khi tiêu thụ trên thị trường. Tiếp đến thời điểm 1/1/2014 lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc được thực hiện đối với tủ lạnh, máy giặt lồng ngang và máy thu hình.

Nhãn năng lượng đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai rất hiệu quả trong thúc đẩy thị trường cho các phương tiện và thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng. Tại Việt Nam hoạt động này đã được bắt đầu triển khai từ 2006 dưới hình thức tự nguyện và chính thức triển khai theo hình thức bắt buộc từ 1/7/2013 theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTgQuyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.

Đồng bộ, hiệu quả

Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN &TKNL, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương cho biết “Hiện nay văn bản pháp luật thực hiện trong dán nhãn năng lượng và cơ sở vật chất trong triển khai thực hiện dán nhãn năng lượng nhân lực, máy móc, hệ thống phòng thử nghiệm đã được tăng cường và đang được hoàn thiện. 

Chương trình dán nhãn năng lượng đã nhận được vào cuộc một cách đồng bộ và tích cực của các Bộ, ngành liên quan, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong hoạt động kiểm tra các sản xuất, nhập khẩu và giám sát sản phẩm sau chứng nhận khi sản phẩm lưu thông trên thị trường (đặc biệt là sự tham gia của Tổng cục hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cơ quan thanh tra và quản lý thị trường tại Sở Công Thương các tỉnh thành phố...). Chương trình dán nhãn năng lượng cũng thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng”.

a5af42eb5_img_8909.jpg

Các sản phẩm dán nhãn năng lượng được bày bán đa dạng tại nhiều Hệ thống siêu thị trên cả nước

Sau hơn 1 năm triển khai dán nhãn năng lượng bắt buộc, hiệu quả trước tiên mà chương trình mang lại là tạo được sự minh bạch về hiệu suất năng lượng của sản phẩm trên thị trường, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn thông qua thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng. 

Tính đến tháng 6-2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị phải dán nhãn theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó bao gồm 473 chủng loại máy thu hình, 749 chủng loại thiết bị chiếu sáng, gần 1.585 chủng loại quạt điện, 863 sản phẩm điều hoà không khí, 301 chủng loại sản phẩm máy giặt, 1.354 loại nồi cơm điện và 210 sản phẩm máy biến áp phân phối....

Nhãn năng lượng đã góp phần chuyển đổi  và tiến tới việc loại bỏ dần các trang bị hiệu suất thấp. Có thể thấy rõ tác động của Chương trình dán nhãn năng lượng (Quyết định 51/2011/QĐ-TTg) thông qua theo dõi sự thay đổi thị phần của trang thiết bị sử dụng năng lượng như sản phẩm điều hòa biến tần (năm 2008 số lượng điều hòa biến tần trên thị trường nhỏ hơn 1% thì đến giữa năm 2014 thì thị phần điều hòa biến tần đã tăng lên gần 30% thị phần điều hòa không khí gia dụng) hoặc sự thay thế của đèn CFL cho bóng đèn sợi đốt và sự loại bỏ bóng đèn sợi đốt trên 60W trên thị trường hay sự thay thế của bóng đèn huỳnh quang T8 hiệu suất cao cho bóng đèn huỳnh quang T10 hiệu suất thấp.

Hiện tại nhãn năng lượng cũng đã được người tiêu dùng đón nhận.

e06b7b3d8_img_8920.jpg

Người tiêu dùng quan tâm đến những sản phẩm có dán nhãn năng lượng

Nhằm mục tiêu thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác quản lý các thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất thấp phải loại bỏ theo Quyết định số 78/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó các phương tiện, thiết bị sử dụng thuộc danh mục phải loại bỏ sẽ bị cấm sản xuất, lưu thông trên thị trường nếu hiệu suất thấp hơn mức hiệu suất năng lượng tối thiểu quy định tại các tiêu chuẩn quốc gia (do Bộ KHCN ban hành). Quyết định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.

Nhằm giảm chi phí và thời gian và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký nhãn năng lượng, Tổng cục Năng lượng đang thí điểm áp dụng hình thức nhận hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng trực tuyến. Hình thức này đã giúp cả cơ quan quản lý là Bộ Công Thương và các DN tiết kiệm được thời gian, chi phí in ấn hồ sơ. Quy trình cấp chứng nhận vì thế cũng nhanh gọn hơn.  Doanh nghiệp chỉ phải nộp duy nhất 01 bản hồ sơ gốc thay vì phải nộp các bản copy như việc đăng ký bằng hồ sơ giấy thông thường.

Các doanh nghiệp muốn đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm của mình, có thể gửi hồ sơ đăng ký về địa chỉ duy nhất tại Văn phòng tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng trực tuyến.

Hướng dẫn dán nhãn năng lượng trực tuyến xem tại đây.

Từ 1/1/2015 dán nhãn năng lượng cho ô tô

Sắp tới, ngày 1-1-2015 là mốc thời gian thực hiện dán NNL bắt buộc đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải gồm xe ô tô con từ 7 chỗ trở xuống theo Quyết định 51/2011/QĐ-TTg. Để triển khai thực hiện lộ trình này, từ tháng 5-2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự thảo lần 2 Thông tư  liên tịch giữa Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải "Quy định về kiểm tra, chứng nhận và dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống".

Theo Thông tư, các xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống (trừ xe quân đội, công an, xe tạm nhập tái xuất, xe đã qua sử dụng, xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, diesel, LPG, CNG) phải thực hiện việc đăng ký, kiểm tra, chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu và dán nhãn năng lượng trước khi cơ sở sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu đưa xe ra thị trường tiêu thụ.

 

be2a9837a_1oto.jpg

Xe ô tô con dưới 7 chỗ phải dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2015

Trao đổi với ông Nguyễn Đông Phong- Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông cho biết hiện tại công tác chuẩn bị dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống đang được triển khai tích cực, nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình dán nhãn năng lượng vào ngày 1-1-2015 sắp tới.

Ông Nguyễn Đông Phong cũng cho biết thêm, tại Cục đăng kiểm Việt Nam hiện có một Phòng kiểm định chất lượng  hiện đại, được trang bị bằng vốn đầu từ hàng chục triệu Euro từ ODA của Áo. Phòng kiểm định này sẽ đảm bảo tốt nhất về công nghệ và nhân lực trong việc kiểm tra, chứng nhận mức tiêu thụ nhiên liệu, phục vụ dán nhãn năng lượng đối với các loại xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống. 

Hùng Linh - Hải Yến

 

 

Người tiêu dùng quan tâm, tin tưởng khi chọn mua sản phẩm 

Để có những đánh giá khách quan nhất, trang thông tin tietkiemnangluong.com.vn đã tiến hành cuộc khảo sát tại một số siêu thị điện máy lớn trên địa bàn Hà Nội.

Có mặt tại một loạt các siêu thị điện máy lớn trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy sự có mặt đa dạng các sản phẩm được dán NNL từ tivi, điều hòa, máy giặt, đến quạt điện, nồi cơm điện của rất nhiều các nhãn hàng lớn như Sharp, Daikin, Panasonic, Electrolux, LG, Sonny…

Tại siêu thị điện máy Media Mart, theo chia sẻ của Quản lý siêu thị, mặc dù quy định dán NNL bắt buộc được triển khai từ 1-7-2013, nhưng từ trước đó khá lâu, siêu thị đã bày bán nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp dán NNL tự nguyện.

Vị quản lý này cũng cho biết, trong những tháng cao điểm mùa hè vừa qua, rất nhiều người tiêu dùng đến siêu thị tìm mua và nhờ tư vấn về các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, trong đó chủ yếu là điều hòa, tủ lạnh và quạt điện. Theo quan sát của anh thì những sản phẩm được dán nhãn năng lượng so sánh 4 sao hoặc 5 sao là những sản phẩm bán chạy hơn cả.

Tại siêu thị điện máy Topcare, nhân viên bán hàng cũng cho biết khách hàng khá quan tâm đến những sản phẩm dán NNL. “Rất nhiều khách hàng hỏi chúng tôi về loại nhãn này. Họ nhờ chúng tôi giải thích thêm về những thông tin trên nhãn, so sánh giữa các sản phẩm cùng loại được dán nhãn và đưa ra lời khuyên nên mua sản phẩm nào. Người mua tin tưởng và yên tâm hơn khi chọn mua thiết bị được dán nhãn năng lượng”.

Anh Nguyễn Xuân Trường, nhân viên phụ trách quầy điện lạnh tại Siêu thị điện máy Topcare (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, người tiêu dùng khá quan tâm đến những sản phẩm có dán NNL. “Tiêu chuẩn đầu tiên của nhiều khách hàng là lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng. Sau đó, họ quan tâm đến mức hiệu suất năng lượng in trên nhãn”, anh Trường chia sẻ.

“Điều hòa, tủ lạnh, ti vi là 3 nhóm thiết bị mà khách hàng quan tâm nhất đến NNL tại siêu thị của chúng tôi. Đa số khách hàng đều lựa chọn những sản phẩm có dán nhãn 4 hoặc 5 sao”, anh Trường cho biết thêm.

Tại một quầy hàng khác trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Lê Thị Lan Phương, nhân viên bán hàng cho biết: “Thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng biết đến NNL. Song, khi được nhân viên tư vấn, so sánh về ưu điểm của những sản phẩm dán nhãn so với những sản phẩm khác, hầu hết khách hàng đều chọn mua các thiết bị có dán NNL”.

Ông Trịnh Hồng Anh, một cán bộ nhà nước (Ba Đình, Hà Nội), đang đi xem hàng tại siêu thị điện máy, ông cho biết rất quan tâm đến những sản phẩm có dán NNL. “Thói quen của tôi khi mua các thiết bị điện tử cho gia đình là phải xem xét mức tiêu thụ điện trên các sản phẩm. Từ khi triển khai dán NNL, tôi thấy dễ nhận biết các sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn, so sánh giữa các sản phẩm cũng cùng loại cũng đơn giản hơn. Nói chung, các sản phẩm dán nhãn đã được Bộ Công Thương thử nghiệm nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn tin tưởng”.

                                                                                                                                                         Hải Yến thực hiện