Saturday, 23/11/2024 | 02:15 GMT+7
Ô tô con mới (từ 7 chỗ trở xuống) phải dán nhãn năng lượng kể từ 01/01/2015 theo Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT của liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương quy định về dán nhãn năng lượng đối với phương tiện xe cơ giới.
Trong bối cảnh năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt khiến giá nhiên liệu ngày càng tăng, việc sử dụng lãng phí năng lượng sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn là vấn đề quan tâm của doanh nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ở bình diện rộng hơn, nó còn là vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia, của nhân loại.
Tại Việt Nam, từ ngày 01/01/2011, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực và trở thành hành lang pháp lý quan trọng cho toàn bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Một trong những nội dung quan trọng của Luật này là quy định về dán nhãn năng lượng. Để cụ thể hóa, ngày 12/9/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2011. Trong quá trình thực hiện, quyết định này được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/01/2013.
Sau khi triển khai lộ trình dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với các sản phẩm thuộc nhóm thiết bị gia dụng; nhóm thiết bị công nghiệp (từ tháng 7/2013); thiết bị văn phòng và thương mại (từ tháng 01/2014), ngày 24/9/2014 liên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT quy định về dán nhãn năng lượng đối với nhóm phương tiện giao thông vận tải (xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống) được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Đây là nhóm danh mục cuối cùng trong lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo qui định, có 2 loại nhãn tiêu thụ năng lượng sử dụng cho việc công bố mức độ tiêu thụ nhiên liệu của ô tô, màu xanh lá cây và màu vàng.
Nhãn do Cục Đăng kiểm cấp. Nhãn do nhà sản xuất tự công bố.
Nhãn năng lượng màu xanh lá cây thể hiện số liệu về tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe đã được cơ quan quản lý nhà nước (Cục Đăng kiểm) tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận. Nhãn màu vàng thể hiện số liệu về tiêu thụ nhiên liệu do doanh nghiệp công bố. Việc dán nhãn này sẽ chính thức áp dụng từ 01/01/2015 đối với kiểu loại xe sản xuất lắp ráp, nhập khẩu mới; các trường hợp được đăng ký tự công bố mức tiêu hao nhiên liệu và dán nhãn năng lượng (theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của thông tư này) được áp dụng từ 01/01/2015 đến 31/12/2016.
Theo quy định, nhãn năng lượng phải được dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe. Nhãn năng lượng phải được duy trì trên xe cho tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Trên thế giới, có hơn 100 nước đã thực hiện việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm đồ điện gia dụng, điện tử và phương tiện giao thông vận tải. Tại Việt Nam, dù muộn hơn nhưng đây là công việc rất cần thiết, nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ hơn hiệu suất thiết bị, hiệu quả sử dụng năng lượng của thiết bị, phương tiện mà họ đang sử dụng hằng ngày. Hơn thế, hoạt động này sẽ ngăn chặn các thiết bị, phương tiện lạc hậu, có hiệu suất năng lượng thấp; đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao.
Dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, không chỉ xuất phát từ nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các quy định của pháp luật.
Theo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng