Monday, 23/12/2024 | 17:58 GMT+7

Tại Nhật Bản, doanh số bán hàng tăng nhờ sản phẩm dán nhãn năng lượng

19/08/2015

Các cửa hàng bán lẻ tại Nhật Bản cho biết việc bán các sản phẩm có nhãn năng lượng đã góp phần thúc đẩy doanh số của họ.

Nhật Bản là quốc gia đi đầu châu Á về việc thực hiện dán nhãn năng lượng. Từ năm 1995, quốc gia này đã chính thức thi hành “Chương trình Ngôi sao năng lượng Energy Star” cho các thiết bị văn phòng như máy tính, máy in, máy fax, điện thoại… Tuy nhiên, hệ thống nhãn năng lượng bắt nguồn từ Mỹ này không nhận được nhiều sự hưởng ứng từ người dân.

Năm 2000, Uỷ ban Tiêu chuẩn công nghiệp cho các ngành điện và điện tử của nước này đưa vào thực thi “Chương trình dán nhãn năng lượng” mở rộng cho nhiều sản phẩm gồm: đèn huỳnh quang, máy nước nóng, tủ lạnh, tủ đá, ti vi…

Sau khi Luật Bảo tồn năng lượng được thông qua năm 2006, những loại nhãn năng lượng được thiết kế tự phát trước đây đã được thống nhất lại theo tiêu chuẩn chung. Cụ thể, nhãn năng lượng của Nhật Bản được thiết kế dưới dạng hình chữ nhật đứng, gồm 3 phần. 

Phần trên cùng là hệ thống đánh giá đa cấp độ. Sản phẩm sẽ được đánh giá theo 5 cấp bậc khác nhau, từ 1 sao đến 5 sao, với mức độ tiết kiệm năng lượng tăng dần. Đây là căn cứ để người tiêu dùng xác định số sao của sản phẩm chính là mũi tên nhỏ đặt ở ngay dưới các ngôi sao.

Ở giữa là hệ thống nhãn năng lượng: Nhãn năng lượng của Nhật Bản gồm hai loại: màu xanh và màu cam. Thông thường các các sản phẩm sẽ được dán nhãn tròn chữ “e” màu cam, thể hiện mức độ tiết kiệm nằm trong khoảng 0 – 100% theo tiêu chuẩn định mức chung. Trong một số trường hợp đặc biệt, nếu mức độ tiết kiệm năng lượng của sản phẩm vượt mức 100% so với tiêu chuẩn, chúng sẽ được dán nhãn tròn chữ “e” màu xanh. Cũng trong phần này, nhà sản xuất cũng phải thể hiện được tổng mức tiêu thụ điện của sản phẩm trong vòng 1 năm tính theo kWh.

Phần dưới cùng của nhãn là thông số về mức tiêu thụ điện quy đổi thành đồng yên Nhật trong một năm với kích cỡ tương đối lớn để người dùng tiện nắm bắt và tính toán.

Vào thời điểm đưa vào lưu hành lần đầu, loại nhãn này được áp dụng đầu tiên cho 4 sản phẩm có mức tiêu thụ cao nhất, gồm: điều hoà nhiệt độ, ti-vi, tủ lạnh và đèn huỳnh quang. Các nhà bán lẻ cũng được khuyến khích cung cấp thông tin về sản phẩm tiết kiệm năng lượng đến người tiêu dùng.

Sau gần 10 năm triển khai, đến nay, hệ thống nhãn năng lượng dạng chữ “e” với thang đo 5 sao đã đạt được những thành công đáng kể. Về phía người tiêu dùng, hệ thống này được cho dễ hiểu và dễ tính toán chi phí hơn so với hệ thống Energy Star thịnh hành ở Mỹ.

Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ cho biết việc bán các sản phẩm có nhãn năng lượng kiểu Nhật đã góp phần thúc đẩy doanh số của họ. Điều này sẽ là cơ sở quan trọng giúp chính phủ Nhật sớm thực hiện công tác dán nhãn bắt buộc đối với toàn bộ sản phẩm tiêu thụ điện tại quốc gia này, giống như Liên minh châu Âu trong thời gian qua.

Anh Tuấn (Tổng hợp)