Thursday, 28/03/2024 | 17:01 GMT+7

Nâng cao hiệu suất điều hòa góp phần đảm bảo các mục tiêu khí hậu

21/03/2022

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia có chính sách lâu dài về nhãn năng lượng đã đạt được mức giảm tiêu thụ năng lượng 30% so với giai đoạn trước khi áp dụng. Tại 9 khu vực có báo cáo dữ liệu, khoảng 1.580 tWh được tiết kiệm hằng năm. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng sản lượng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) của các khu vực đó.

Nhu cầu làm mát khổng lồ
Nhu cầu toàn cầu làm mát tăng cao đặc biệt trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây. Báo cáo của IEA chỉ ra lượng khí thải CO2 sản sinh từ nhu cầu làm mát không gian tăng gấp đôi từ năm 1990 đến năm 2020. Tính riêng trong năm 2020, nhu cầu điều hòa không khí toàn cầu chiếm gần 16% lượng điện tiêu thụ cuối cùng của khu vực tòa nhà, khoảng 1.885 TWh. 
Tính trung bình nhu cầu điều hòa không khí mỗi năm tăng khoảng 4%. Con số này gần gấp đôi so với nhu cầu về chiếu sáng. Tiêu thụ năng lượng của điều hòa ảnh hưởng lớn đến nhu cầu sử dụng điện cuối vào những khung giờ cao điểm, đặc biệt trong những ngày nắng nóng. Điều này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam. 
Các chuyên gia dự báo nhu cầu điều hòa không khí sẽ cao chưa từng có trong thập kỷ tới, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dân số tăng và thu nhập ở nhiều khu vực tăng lên. Số liệu từ Fortune Business Insights cho thấy thị trường điều hòa nhiệt độ khu vực này có tốc độ tăng trung bình 4,3% trong giai đoạn 2017-2019. Việt Nam là một trong ba thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao, bên cạnh Malaysia và Thái Lan. 
Châu Á Thái Bình Dương là khu vực được dự báo nhu cầu tăng trưởng cao về điều hòa không khí. Nguồn: Fortune Business Insights.
Cải tiến công nghệ
Công nghệ điều hòa đã được cải tiến một cách đáng kể trong ba thập kỷ qua, cả về công năng và hiệu quả sử dụng năng lượng (EER). Các nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu suất trung bình (W/W) của điều hòa không khí đã tăng khoảng 10% kể từ năm 2010. Thiết bị điều hòa siêu tiết kiệm năng lượng đã từng được ghi nhận tại thị trường Mỹ có trị số EER là 12,3 - cao gấp 3 lần hiệu suất trung bình thị trường. Tại Việt Nam, các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất được Bộ Công Thương chứng thực cũng đạt tới 7,4 - tức là có khả năng tiết kiệm hơn tới 66,7% so với các thiết bị hiệu suất cao (nhãn 5 sao). 
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm phát thải về 0 vào giữa thập kỷ. Để giúp lộ trình net-zero đi đúng hướng, các chuyên gia cho biết một biện pháp thiết thực là nâng cao tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng của bốn nhóm thiết bị tiêu thụ điện chính (điều hòa không khí, chiếu sáng, tủ lạnh và động cơ điện). Việc nâng cao tiêu chuẩn có thể cải thiện hiệu suất năng lượng của điều hòa lên khoảng 50% vào năm 2030. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi đối chiếu với nhu cầu toàn cầu với khoảng 80 triệu chiếc điều hòa mới sẽ sẽ được bổ sung vào thị trường mỗi năm.  
 
Về mặt kỹ thuật, khó khăn trong việc triển khai thiết bị điều hòa thân thiện khí hậu nằm ở chỗ song song việc cải tiến hiệu suất tiêu thụ năng lượng, cần sử dụng môi chất lạnh thân thiện môi trường, hoặc loại bỏ hoàn toàn môi chất lạnh. 
Theo báo cáo của Business Fortune Insight, thị phần các loại điều hòa sử dụng môi chất lạnh không thân thiện (như R-600A/R-290 hay R-22) hiện vẫn chiếm gần 50% thị trường điều hòa thương mại châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù xu hướng cho thấy thị phần này đang giảm dần, nhưng vẫn cần đẩy nhanh tốc độ để loại bỏ hoàn toàn các công nghệ sử dụng môi chất không thân thiện môi trường mới có thể theo đúng lộ trình net-zero. 
Điều hòa sử dụng môi chất lạnh không thân thiện môi trường vẫn chiếm gần 50% thị trường điều hòa thương mại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: Fortune Business Insights.
Cần các giải pháp mạnh
Đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cuối, các chương trình quốc gia như nhãn năng lượng, đã chứng minh hiệu quả đáng kể trong việc tăng hiệu suất tiêu thụ điện và giảm phát thải. Theo ông Đặng Hải Dũng, Phó Chánh văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương), hiệu quả sử dụng điều hòa tiết kiệm điện tăng lên đáng kể từ khi áp dụng Chương trình nhãn năng lượng kể từ năm 2006. Thông qua việc điều hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các thiết bị điều hòa hiệu quả năng lượng, ước tính mỗi năm tiết kiệm được khoảng hơn 100 triệu kWh. 
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các quốc gia có chính sách lâu dài về nhãn năng lượng đã đạt được mức giảm tiêu thụ năng lượng 30% so với giai đoạn trước khi áp dụng. Tại 9 khu vực có báo cáo dữ liệu, khoảng 1.580 tWh được tiết kiệm hằng năm. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng sản lượng năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) của các khu vực đó. 
Chiến lược kế tiếp mà các chính phủ đang áp dụng là tăng hạn mức tiêu thụ năng lượng theo hướng hiệu quả hơn. Chẳng hạn, EU đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn trong việc dán nhãn theo hướng nâng mức hiệu quả năng lượng. Mục đích của việc này là để người tiêu dùng có nhận thức rõ ràng hơn về các sản phẩm "thực sự" hiệu quả năng lượng, từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn. Ngoài ra, EU cũng ban hành lệnh cấm với các thiết bị kém hiệu quả nhất. 
Sau COP26, chính phủ Australia đã tham gia sáng kiến hành động về sản phẩm hiệu quả năng lượng COP26 (The COP26 Product Efficiency Call to Action) cùng với 13 nền kinh tế lớn khác. Sáng kiến nhằm tăng gấp đôi hiệu quả 4 nhóm thiết bị tiêu thụ năng lượng chính; đồng thời tăng cường đổi mới và cơ hội thị trường cho các sản phẩm hiệu suất năng lượng cao và thân thiện môi trường. 
Thúc đẩy thị trường hiệu suất cao thông qua Giải thưởng sản phẩm hiệu suất cao nhất. 
Thúc đẩy thị trường hiệu suất cao cũng được Bộ Công Thương quan tâm trong thời gian gần đây, thông qua giới thiệu Giải thưởng sản phẩm hiệu suất năng lượng cao nhất. Giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà sản xuất, sản phẩm ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đạt hiệu quả năng lượng vượt trội (trên mức 5 sao). Sau hai năm triển khai, chứng nhận Hiệu suất năng lượng cao nhất đã được trao cho hàng trăm sản phẩm thuộc các nhóm ngành hàng gia dụng tiêu thụ năng lượng chính gồm: điều hòa, máy giặt, đèn LED, máy biến áp và động cơ điện.
Bên cạnh các chính sách khuyến khích tăng hiệu quả sử dụng năng lượng cuối, các chính sách hỗ trợ nhà sản xuất, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng rất cần thiết. Chẳng hạn, chuyên gia IEA nhận định cần tập trung vào các giải pháp tích hợp để nâng cao hiệu quả tổng thể, như bộ điều nhiệt, hệ thống kiểm soát thông minh, hoặc thu hồi nhiệt dư từ các hệ thống điều hòa để tái sử dụng cho mục đích khác như đun nước nóng, tích hợp vào quá trình công nghiệp... Đây là các giải pháp đang được nhiều tổ hợp công trình, khu công nghiệp sử dụng rất hiệu quả. Nếu được chia sẻ và nhân rộng sẽ tạo ra hiệu quả đáng kể. 
Giang Nguyễn
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện