Friday, 08/11/2024 | 08:44 GMT+7

IAEA và năng lượng hạt nhân dân dụng

13/11/2010

Các nước đang phát triển hối thúc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trong các lĩnh vực như điện nguyên tử, y tế, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường. Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đang triệu tập cuộc họp để đánh giá báo cáo đầu tiên của Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 9/2009.

Các nước đang phát triển hối thúc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) có biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình trong các lĩnh vực như điện nguyên tử, y tế, an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.


Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đang triệu tập cuộc họp để đánh giá báo cáo đầu tiên của Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano, kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 9/2009.

Các nước đang phát triển cho rằng quyền tiếp cận năng lượng hạt nhân dân dụng không thể chỉ gói gọn ở các nước phát triển mà còn cần mở rộng sang cả thế giới đang phát triển.

Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, Wang Min, cho rằng "IAEA cần quan tâm  tới ý kiến của các nước thành viên, nhất là các nước đang phát triển và có các biện pháp nhằm đáp ứng những nhu cầu của họ về trợ giúp kỹ thuật trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình".


IAEA amano.jpg


Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano


Phó đại diện thường trực của Iran tại LHQ, Eshagh Al-Habib, nói: "Năng lượng hạt nhân hiện đang giữ một vị trí quan trọng trong đời sống con người, khi nó được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và y tế, nhất là để chữa trị bệnh ung thư. Qui mô sử dụng năng lượng hạt nhân và những ứng dụng tiên tiến của nó, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đang ngày càng gia tăng”.


Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano cũng nói: "Các hoạt động của IAEA trong những lĩnh vực như y tế và dinh dưỡng, an ninh lương thực, môi trường và quản lý nguồn nước… có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nhiều nước thành viên. Tôi coi vấn đề chữa trị căn bệnh ung thư tại các nước đang phát triển là ưu tiên hàng đầu trong năm đầu nhiệm kỳ của mình. Hiện nay tại các nước đang phát triển, mỗi giờ có khoảng 665 người chết vì ung thư, cao gần gấp 3 lần so với các nước phát triển. Nhiều nước thu nhập thấp còn không có nổi một chiếc máy trị liệu bằng phóng xạ". Kể từ năm 1980, IAEA đã hỗ trợ cho các nước đang phát triển 220 triệu USD liên quan tới việc chữa trị bệnh ung thư.


Ông Amano cho biết khoảng 60 nước đang cân nhắc phát triển năng lượng hạt nhân và IAEA hy vọng sẽ có thêm 25 nước đưa các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào hoạt động từ nay đến năm 2030. Nhiều trong số các nước đã sản xuất điện hạt nhân đang có kế hoạch hoặc xây dựng các lò phản ứng mới hoặc nâng cấp để kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hiện có.


Chia sẻ quan điểm này, ông Teo Eik Ruey - đại diện  Singapore, cho biết nhu cầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhất là về năng lượng, đang gia tăng cùng với quá trình phát triển kinh tế. Có tới 34 trong số 55 lò phản ứng điện hạt nhân đang được xây dựng nằm ở châu Á.Vai trò của IAEA cũng càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh đã xuất hiện xu hướng rõ ràng hơn về nhu cầu sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình. Ông Teo Eik Ruey nói tiếp: "Trong khi việc có lựa chọn phát triển điện hạt nhân hay không là tùy thuộc vào các nước thành viên, IAEA đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo rằng việc phát triển năng lượng hạt nhân được tiến hành một cách hiệu quả, có trách nhiệm và bền vững".


Với Chương trình Hợp tác Kỹ thuật, IAEA giúp chuyển giao công nghệ hạt nhân và các công nghệ liên quan khác vì mục đích hòa bình cho nhiều nước trên toàn thế giới. Chương trình này đã giải ngân hơn 70 triệu USD tiền thiết bị, dịch vụ và đầu tư mỗi năm tại gần 100 nước và vùng lãnh thổ. IAEA, với sự hợp tác từ nhiều nước, cũng hỗ trợ các quốc gia dưới hình thức đào tạo, cung cấp chuyên gia và tổ chức các cuộc hội thảo và hội nghị chuyên đề với chủ đề liên quan.

 

Phương Thảo (theo AFP)