Monday, 18/11/2024 | 19:43 GMT+7

Năng lượng cho người nghèo

31/12/2010

Tại làng Kiptusuri ở Kenya, nỗi khát khao có điện của cô Sara Ruto bắt đầu từ năm ngoái, ngay sau khi cô mua một chiếc điện thoại di động. Đó là một phương tiện thiết thực để giữ liên lạc với người thân trong thành phố và kiểm tra giá gà ở khu chợ gần nhất. Tuy nhiên, khâu sạc pin không hề đơn giản ở vùng quê cách quá xa lưới điện. Hằng tuần, cô Sara Ruto phải đi bộ khoảng 3,2 km để đến chỗ có người chở thuê. Sau khoảng 3 giờ, cô mới đến thị trấn có điện gần nhất – thị trấn Mogotio - để sạc điện thoại với giá 0,3 USD.

Năng lượng tái tạo trở nên quan trọng ở những vùng chậm phát triển, trong đó châu Phi đang “nóng” dần lên với nhu cầu về hệ thống điện mặt trời . Liên Hiệp Quốc ước tính 1,5 tỉ người trên thế giới đang sống trong điều kiện thiếu điện. Bên cạnh đó, khoảng 3 tỉ người phải nấu ăn và sưởi ấm bằng gỗ hay than.

Phục vụ sinh hoạt hằng ngày

 
Tại làng Kiptusuri ở Kenya, nỗi khát khao có điện của cô Sara Ruto bắt đầu từ năm ngoái, ngay sau khi cô mua một chiếc điện thoại di động. Đó là một phương tiện thiết thực để giữ liên lạc với người thân trong thành phố và kiểm tra giá gà ở khu chợ gần nhất. Tuy nhiên, khâu sạc pin không hề đơn giản ở vùng quê cách quá xa lưới điện. Hằng tuần, cô Sara Ruto phải đi bộ khoảng 3,2 km để đến chỗ có người chở thuê. Sau khoảng 3 giờ, cô mới đến thị trấn có điện gần nhất – thị trấn Mogotio - để sạc điện thoại với giá 0,3 USD.


  163042920.jpg


Hành trình cực nhọc trên kết thúc khi gia đình cô Sara Ruto bán một số gia súc để mua một hệ thống điện mặt trời do Trung Quốc sản xuất với giá 80 USD. Nhờ đó mà có đủ điện năng để sạc pin điện thoại và sử dụng 4 bóng đèn trong nhà. “Mục đích ban đầu của tôi chỉ là chiếc điện thoại. Thế nhưng hệ thống điện mặt trời đã thay đổi nhiều thứ” - cô Ruto chia sẻ khi đang nghỉ lưng trên băng ghế trong căn nhà vách đất.

 
Kể từ khi nhà cô Ruto lắp đặt thiết bị này, học trò của cô có đủ ánh sáng để học tập và tránh được mối nguy hỏa hoạn từ những chiếc đèn dầu. Ngoài ra, mỗi tháng cô tiết kiệm được 15 USD chi phí dầu hôi, pin cùng với 20 USD tiền đi lại. Hiện tại, hàng xóm trả cô 0,2 USD để sạc pin điện thoại. Dù vậy, khoản tiền kiếm thêm này sẽ không bền do đã có 63 gia đình ở Kiptusuri lắp thiết bị năng lượng điện mặt trời.
  

Xu hướng tất yếu

 
Cho đến thời điểm này, chưa có số liệu chính xác về quy mô phát triển của nguồn năng lượng tái tạo. Lý do là các dự án năng lượng tái tạo thường do các cá nhân hay tổ chức phi chính phủ nhỏ thực hiện. Tuy nhiên, ông Dana Youger, cố vấn cao cấp về lĩnh vực năng lượng tái tạo của Tập đoàn Tài chính quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới, khẳng định xu hướng sử dụng nguồn năng lượng tái tạo đang phát triển hiện nay.

 
Cùng với sự ra đời của các tấm pin năng lượng mặt trời và bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng, những hệ thống điện mặt trời đã tạo ra nguồn năng lượng hữu ích với giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của người nghèo. Dù vậy, việc không có một mạng lưới phân phối hiệu quả  và sự hỗ trợ tài chính đối với những công ty mới thành lập khiến cho nguồn năng lượng tái tạo chưa được sử dụng phổ biến.

 
Theo báo The New York Times (Mỹ), châu Phi đang “nóng” dần lên với nhu cầu về hệ thống điện mặt trời. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không dám mạo hiểm đổ tiền vào các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng ít tiền ở nông thôn do rủi ro cao. Có thể nói rằng tiền không chảy vào những khu vực cần nó nhất. Liên Hiệp Quốc cho biết trong tổng số 162 tỉ USD tiền đầu tư cho năng lượng tái tạo trong năm 2009, các chuyên gia ước tính 44 tỉ USD được chi ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, trong khi chỉ có 7,5 tỉ USD đổ vào những nước nghèo hơn.


Theo Người Lao Động