Saturday, 23/11/2024 | 01:00 GMT+7

Hội thảo về khí sinh học biến chất thải hữu cơ thành năng lượng hữu dụng

17/11/2012

Ngày 13/11, tại Thái Bình, Đại sứ quán Thụy Điển và Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường Việt Nam - Thụy Điển phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo về "Khí sinh học biến chất thải hữu cơ thành năng lượng hữu dụng".

3be65902c_is_10.jpgNgày 13/11, tại Thái Bình, Đại sứ quán Thụy Điển và Trung tâm Hợp tác công nghệ môi trường Việt Nam - Thụy Điển phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo về "Khí sinh học biến chất thải hữu cơ thành năng lượng hữu dụng". Mục đích của hội thảo là giúp các chủ trang trại, trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiểu rõ hơn về những lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường mà công nghệ biến chất hữu cơ thành năng lượng hữu dụng vào đời sống. 

Hiện nay, Thái Bình đang tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhưng phải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay Thái Bình mới chỉ có 54 trang trại quy mô lớn, chiếm khoảng 10% so với tổng số trang trại hiện có, còn đa số các hộ gia đình vẫn chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Đây là thách thức đối với việc bảo vệ môi trường của Thái Bình. Tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí từ chăn nuôi trong khu dân cư và từ các trang trại quy mô lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, đời sống của người dân, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, nhu cầu sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi và các khu vực xử lý chất thải khác cần được ứng dụng phổ biến rộng rãi.

Thụy Điển là một trong những nước hàng đầu thế giới trong ngành khí sinh học (biogas) và đã có lịch sử lâu đời trong việc phát triển sản phẩm, dịch vụ và công nghệ biogas. Năm 2010, đã có 1,4 TWh biogas được sản xuất từ gần 230 cơ sở trên khắp đất nước Thụy Điển và công nghệ này đã được áp dụng ra khắp thế giới. Biogas được định nghĩa là một dạng nhiên liệu thể khí hoặc thể lỏng chiết xuất từ sinh khối (biomass) và năng lượng chủ yếu thu được từ thành phần methane có trong nguyên liệu này. Biogas hình thành khi các hợp chất hữu cơ bị phân hủy bởi sinh vật trong điều kiện môi trường không có ôxy, hay còn gọi là quá trình phân hủy yếm khí... Tại Việt Nam, công trình khí sinh học quy mô nhỏ là công nghệ hoàn thiện nhất, với 3 kiểu thiết bị phổ biến: Nắp nổi, nắp cố định và túi nilon; hiện có gần 1 triệu công trình nhỏ và khoảng 400 - 500 công trình quy mô vừa và lớn được xây dựng trên toàn quốc, cấp khí cho nấu ăn, thắp sáng, phát điện.

Thái Bình là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng, sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện toàn tỉnh có 690 trang trại có giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng và 15.452 gia trại có giá trị sản xuất dưới 1 tỷ đồng; lượng rác thải từ các trang trại, gia trại là 2.500 - 2.700 tấn/ngày, nước giải và nước rửa chuồng trại khoảng 11.000 - 15.000 m3/ngày. Với lượng chất thải rất lớn từ chăn nuôi như vậy, nhưng hiện cả tỉnh mới có khoảng 7.000 công trình biogas. Vì vậy việc phát triển công nghệ biến chất thải hữu cơ thành năng lượng hữu dụng là rất cần thiết để bảo vệ môi trường cũng như tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt và sản xuất.

Qua Hội thảo này sẽ tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp Thụy Điển với các chủ trang trại, các doanh nghiệp của tỉnh Thái Bình hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thiết lập mối quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài trong lĩnh vực khí sinh học, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Theo TTXVN