TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2015, vận tải hành khách công cộng đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại của người dân. Trong đề án thay mới hệ thống xe buýt cũ kỹ, lạc hậu, thành phố hướng đến việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
Thí điểm đề án xe buýt điện
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, nhận thấy nhu cầu tham quan, đi lại của người dân, nhất là khách du lịch nước ngoài đến các địa điểm khu trung tâm thành phố, trung tuần tháng 4-2013, Sở đã xây dựng đề án "Thí điểm sử dụng xe điện vận tải hành khách công cộng trong khu vực trung tâm thành phố". Dự kiến của Sở là tổ chức đưa 50 xe buýt điện (loại bốn đến tám chỗ) vào hoạt động. Ðại diện của Sở GTVT cho rằng, sở dĩ chọn loại phương tiện với chỗ ngồi như thế để tiện trong việc cơ động cũng như thích hợp với các hoạt động đi lại, nhu cầu của khách, nhất là khách nước ngoài thường đi theo nhóm dưới 10 người. Lộ trình của các xe điện này sẽ là các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn các quận trung tâm thành phố, thậm chí xe có thể phục vụ cả ngày nếu khách có nhu cầu. Trong đề án trình UBND thành phố, Sở cũng đưa ra mức giá vé từ 40 đến 50 nghìn đồng/chặng với cự ly khoảng năm km. Như thế, cùng với tuyến xe buýt vòng quanh quận 1 đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9-2012, nếu đề án xe điện được thành phố thông qua thì các địa điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa khu vực trung tâm thành phố sẽ được phục vụ bởi hai tuyến xe buýt thân thiện, văn minh lịch sự. Ðối với 12 xe buýt vòng quận 1 đang hoạt động đều là xe mới, khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 3.
Ưu tiên xe buýt sạch
Cách đây hơn một năm, UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định kiến nghị Chính phủ cho miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với hơn 20 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG để hoạt động thí điểm. Sau một thời gian đưa vào sử dụng, kết quả của những tuyến buýt này đạt được những kỳ vọng ngoài sự mong đợi, trong đó đáng kể nhất là sự thân thiện, tiết kiệm nhiên liệu và chống ô nhiễm không khí hiệu quả. Tiếp đó, Liên hiệp HTX xe buýt thành phố tiếp tục nhập về tám chiếc xe buýt tương tự. Như vậy, tính đến nay, trên toàn thành phố đã có 28 xe buýt sử dụng khí CNG đang hoạt động.
Tuy nhiên, với mục tiêu nội địa hóa các phương tiện vận tải công cộng nhằm tiết giảm chi phí, UBND thành phố đã giao cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) sản xuất thí điểm 300 xe buýt loại này. Và trong tuần qua, dòng xe buýt City H.75 CNG lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam đã được đơn vị này ra mắt trước sự hân hoan của các đơn vị liên quan. Tổng giám đốc Samco Nguyễn Hồng Anh cho biết, H.75 CNG tiết kiệm 35% chi phí về nhiên liệu so với xe sử dụng nhiên liệu dầu đi-ê-den và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường, đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Xe hoạt động liên tục 500 km so với 200 km như xe nhập khẩu trước đây. Trước những tín hiệu lạc quan về dòng xe được sản xuất trong nước, Samco cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch sản xuất 300 xe CNG đã được thành phố giao nhiệm vụ vào đầu quý II - 2014 để đưa vào hoạt động đồng loạt trên địa bàn thành phố.
Theo Sở GTVT, cách đây hơn 10 năm, thành phố đã tiến hành thay hàng loạt xe buýt mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, qua hơn một thập kỷ khai thác, sử dụng, gần như toàn bộ số xe này hiện đã xuống cấp, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu như Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố khóa IX đề ra đến năm 2015, vận tải công cộng phải đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của người dân, đến năm 2020 là 30%, Sở GTVT đã trình UBND đề án thay mới 1.678 xe buýt nhằm thay thế số xe buýt cũ kỹ hiện nay. Các xe buýt thay thế mới phải đạt các tiêu chuẩn khí thải Euro 3, thân thiện với môi trường. Samco cũng là đơn vị được giao nhiệm vụ lắp ráp các loại xe đạt được các yêu cầu này. Như trong Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố về mục tiêu vận tải công cộng thì ở đây còn có cả các phương tiện khác như BRT, Metro... Tuy nhiên, trong khi những phương tiện này còn chưa biết ngày hoàn thành thì ít nhất từ nay đến năm 2030 xe buýt vẫn là phương tiện vận tải công cộng chủ lực và quan trọng của thành phố. Như thế, nếu các đề án nêu trên sớm đi vào hoạt động thì không những vấn đề vận tải công cộng của thành phố sẽ được người dân hưởng ứng mà còn minh chứng cho quyết tâm của thành phố đang nỗ lực trong việc phát triển vận tải xanh, thân thiện với môi trường để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ đời sống của người dân.
Thúy Hằng