Sunday, 17/11/2024 | 03:25 GMT+7

Tiết kiệm điện: Phải đặt hiệu quả lên hàng đầu

17/06/2013

Phong trào tiết kiệm điện do Tập đoàn Điện lực phát động đã tiết kiệm hàng trăm triệu kWh, hàng ngàn tỉ đồng với các hình thức như vận động, phổ biến kiến thức tiết kiệm điện tại tổ dân phố, trường học, phố thương mại tiết kiệm điện…

Phong trào tiết kiệm điện do Tập đoàn Điện lực phát động đã tiết kiệm hàng trăm triệu kWh, hàng ngàn tỉ đồng với các hình thức như vận động, phổ biến kiến thức tiết kiệm điện tại tổ dân phố, trường học, phố thương mại tiết kiệm điện… Hằng năm, các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều tổ chức vinh danh một số hộ gia đình tiết kiệm điện tiêu biểu. Theo tìm hiểu của PV Báo Năng lượng Mới vẫn còn những điều cần suy ngẫm sau những danh hiệu “Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu”.

Những tiêu chí cần

Năng lượng là nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng nhưng năng lượng không phải là vô tận, vì vậy việc sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng phải bằng hành động cụ thể, tự giác của mỗi thành viên, mỗi thế hệ trong gia đình. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là sử dụng năng lượng một cách hợp lý, nhằm giảm mức tiêu thụ: điện, gas, xăng dầu, chất đốt… giảm chi phí năng lượng cho hoạt động của các thiết bị trong gia đình, phương tiện mà vẫn đảm bảo sinh hoạt, giao thông và dịch vụ chính là mục tiêu của phong trào tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng. Khi chúng tôi tìm hiểu tại các hộ gia đình tiêu biểu trên địa bàn TP Hà Nội, chủ trương này được các hộ quán triệt và thực hiện rất nghiêm túc bởi một lẽ đơn giản “điện, năng lượng ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân”.

2188b98bc_binh_nuoc_nong.jpg

Hệ thống điều hòa nhiệt độ, bình nước nóng tiết kiệm điện tại Triển lãm Năng lượng hiệu quả - Môi trường Hà Nội lần thứ 5 (Entech Hanoi 2013)

Năm 2012, Sở Công Thương, TP Hà Nội đã ban hành quyết định công nhận danh hiệu “Hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu TP Hà Nội năm 2012” (hộ gia đình tiêu biểu) cho 58 hộ gia đình trên địa bàn 29 quận, huyện và thị xã trực thuộc TP Hà Nội. Tiêu chí công nhận danh hiệu hộ gia đình tiêu biểu gồm: Gia đình đang sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian từ 2 năm trở lên; Có hợp đồng mua bán điện với các đơn vị điện lực thành phố, thanh toán tiền điện đầy đủ và kịp thời; Có mức tiết kiệm điện cao 5-15% so với cùng kỳ năm trước; Phải là hộ gia đình nòng cốt tham gia phong trào hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trên địa bàn TP Hà Nội; Có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Đặc biệt, hộ gia đình phải đang sử dụng một trong các loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng như bóng đèn có dán nhãn năng lượng, bếp gas có chắn gió hoặc bếp từ siêu tiết kiệm điện,điều hòa có sử dụng công nghệ Inverter (biến tần), bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời...

Theo tìm hiểu của PV Báo Năng lượng Mới, các hộ gia đình đều đảm bảo các tiêu chí cơ bản đã đề ra. Đặc biệt, một số hộ có mức tiêu thụ điện cực thấp dưới 50kWh điện/tháng. Điển hình như hộ nhà cụ Đồng Thị Cừ tại 138 đường Ngọc Thụy, quận Long Biên; ông Nguyễn Văn Tài tại số 39 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm; ông Đỗ Đình Mạnh số 54, ngõ 282, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Đây là các hộ dân ít người, phần lớn là người về hưu có nhu cầu sử dụng điện rất thấp.

Đơn cử như hộ cụ Đồng Thị Cừ sống với con trai là ông Hoàng Bá Dương, là công nhân thuộc Xí nghiệp Cơ khí 19-8 cũ, nay đã nghỉ hưu. Căn nhà hai mẹ con có rất ít thiết bị điện với 2 bóng đèn chiếu sáng, 1 chiếc quạt trần và 1 chiếc tivi 14 in hiếm khi xem. Trung bình mỗi tháng hộ nhà cụ Cừ dùng dưới 50 số điện, những tháng mùa đông lại càng ít hơn. Cụ Đồng Thị Cừ mới mất cách đây vài tháng, nay chỉ còn ông Dương sống trong căn nhà nhỏ khoảng 20m2. Ông Dương cho biết: “Điện là thứ không nhìn thấy được, cảm nhận được như gió, nước nhưng gia đình tôi vẫn phải kiểm soát nó để đảm bảo an toàn, nắm thông tin để dùng sao cho hợp lý. Trong nhà tôi đề ra quy định chung, từ người lớn đến trẻ con đều phải tuân theo như ra vào phải tắt đèn, không sử dụng phải ngắt điện ngay, trừ những lúc cần thiết như nóng quá thì phải dùng quạt để ngủ”.

Điều đáng ghi nhận tại các hộ gia đình tiêu biểu là tất cả các gia đình đều có ý thức tiết kiệm rất cao nhưng phần lớn nhu cầu và khả năng kinh tế của các hộ đều không nhiều, số lượng hộ có thể trang bị các thiết bị tiết kiệm điện còn thấp. Từ đó, các mô hình hộ gia đình tiết kiệm điện chưa có tính thuyết phục nhiều gia đình có nhu cầu về điện cao như hộ kinh doanh, trang bị nhiều thiết bị điện.

Cần đặt hiệu quả lên hàng đầu

Số liệu từ Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, tổng lượng điện tiêu thụ tại các hộ gia đình chiếm khoảng 53% tổng lượng điện thương phẩm của thành phố. Năm 2012, TP Hà Nội đã vận động, phổ biến kỹ năng, xây dựng nòng cốt 100.000 hộ dân có hành động sử dụng tiết kiệm điện. Năm 2013, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) lên kế hoạch sẽ tiết kiệm hơn 235,5 triệu kWh điện, ít nhất 2% tổng lượng điện thương phẩm tương đương hơn 1 ngàn tỉ đồng và tiếp tục xây dựng mô hình hộ gia đình sử dụng tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu.

Trong các tiêu chí công nhận hộ tiết kiệm điện tiêu biểu thì tiêu chí sử dụng hiệu quả với các thiết bị tiết kiệm điện cần được coi trọng hơn nữa. Nếu chỉ yêu cầu sử dụng một trong các thiết bị tiết kiệm điện như gắn 1 bóng đèn tiết kiệm điện thì vẫn chưa đủ yếu tố để xây dựng một mô hình hộ gia đình sử dụng điện thật sự tiết kiệm, hiệu quả. Chúng tôi đã đến tìm hiểu hộ gia đình ông Hoàng Quốc Hùng, kinh doanh cà phê tại nhà số 45 Trần Quốc Toản. Ngôi nhà 3 tầng với tổng diện tích gần 80m2. Để phục vụ kinh doanh và sinh hoạt, ông Hùng đã trang bị rất nhiều thiết bị điện như: 2 máy điều hòa 900 PTU, cửa kéo điện, hệ thống đèn chiếu sáng, quạt trần, quạt đứng và các thiết bị cần thiết khác. Mặc dù nhiều thiết bị như vậy, sử dụng gần như 24/24 nhưng mỗi tháng tiền điện chỉ vào khoảng 800 ngàn đồng, bằng 1/2 tiền điện của một hộ gia đình bình thường gồm 5 người.

Bác Hùng cho biết: “Xác định kinh doanh lâu dài, phục vụ khách hàng nên chúng tôi đã tính toán để đầu tư và sử dụng hệ thống điện sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất. Mỗi chiếc điều hòa chúng tôi đều kèm theo thiết bị Inverter, thiết bị chuyển dòng điện một chiều thành điện xoay chiều, 3 pha. Tôi trang bị rất nhiều ắc-quy cỡ lớn, đấu với nguồn điện, có bộ sạc chủ động (có điện sẽ sạc trực tiếp, không ảnh hưởng đến nguồn). Khi mất điện lưới, hệ thống điện chiếu sáng và quạt của gia đình vẫn có thể hoạt động bình thường trong 3 giờ đồng hồ. Mặc dù chi phí khá lớn cho thiết bị tiết kiệm điện (bằng chi phí đầu tư thiết bị điện) nhưng sử dụng trong thời gian dài, chúng tôi thấy được hiệu quả tiết kiệm và kinh tế vì chắc chắn giá điện sẽ ngày càng cao”.

Hiện nay, nhiều gia đình thật sự đang lãng phí điện, sử dụng quá nhiều thiết bị điện không cần thiết trong cuộc sống. Một gia đình có 5 người lớn, 3 trẻ con nhưng đã có đến 4 chiếc tivi, 3 chiếc điều hòa nhiệt độ, 2 chiếc tủ lạnh, 2 chiếc máy nước nóng chưa kể quạt máy, lò vi sóng, nồi cơm điện… Chính vì vậy, việc phân bổ 2 hộ gia đình trong mỗi quận, thị xã, 1 hộ gia đình trong mỗi huyện để đánh giá, lựa chọn hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng tiêu biểu cũng dễ dẫn đến sự dàn đều, chưa nêu bật được tính hiệu quả của mô hình tiêu biểu để có thể thuyết phục, làm điển hình cho các hộ gia đình khác có thể học tập, nhân rộng.

Thúy Hằng