Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Môi trường (RCEE) vừa tổ chức hội thảo thông tin dự án ASEAN SHINE.
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Khuyến khích sử dụng điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng tại ASEAN”. Dự án được tài trợ bởi chương trình SWITCH ASIA của Liên minh châu Âu.
Ông Rryan Fornari cho rằng, dự án này đóng góp vào sự phát triển cho Việt Nam và khu vực.
Ông Nguyễn Minh Bằng – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, phụ trách Ban chỉ đạo quốc gia về dự án nói trên tại Việt Nam cho biết, điều hòa không khí – một loại thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng và ngày càng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, đã được chọn lựa là đối tượng để thúc đẩy và thực hiện các biện pháp nhằm đạt được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng. Các biện pháp này bao gồm: biện pháp pháp luật; biện pháp chính sách – sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tiết kiệm năng lượng, dán nhãn năng lượng; biện pháp kỹ thuật – tiêu chuẩn, thử nghiệm; biện pháp thông tin – truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng. Trong đó, biện pháp pháp luật đã có sự đóng góp rất to lớn của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010,
“Dự án chỉ có thể thực hiện thành công nếu nó được triển khai dưới sự phối hợp, hỗ trợ của đông đảo các bên liên quan gồm cơ quan quản lý, cơ quan/tổ chức kỹ thuật, nhà sản xuất – kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan/tổ chức thông tin – truyền thông”.
Theo ông Nguyễn Minh Bằng, thông qua dự án này, Việt Nam sẽ tiến nhanh trong quá trình hài hòa hóa tiêu chuẩn với khu vực và thế giới.
Theo ông Hà Đăng Sơn – Giám đốc RCEE, với mục đích là hài hòa tiêu chuẩn thí nghiệm điều hòa không khí tại Việt Nam, từ đó xây dựng mạng lưới các phòng thí nghiệm, các nhà sản xuất, các bên bán hàng và đào tạo nâng cao năng lực để phổ biến những kết quả đến cho những bên liên quan. Dự án được tài trợ bởi Liên minh châu Âu, quản lý dự án là Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực ASEAN và điều phối tại Việt Nam là RCEE.
“Thông qua dự án này, thiết lập mạng lưới ASEAN SHINE, hài hòa các tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm, đề xuất các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng MEPS, HEPS và xây dựng lộ trình triển khai chính sách trong khu vực. Ngoài ra, hướng vào xây dựng lộ trình chính sách quốc gia về MEPS và HEPS. Nâng cao năng lực cho các phòng thử nghiệm, cho các nhà máy sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng”, ông Hà Đăng Sơn cho biết.
Theo ông Kittisak Sukvivatn – Quản lý dự án Hiệp hội Đồng quốc tế khu ASEAN cho biết, điều hòa không khí chiếm nhu cầu năng lượng cao tại các nước trong khu vực. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn do việc áp dụng điều hòa không khí hiệu suất cao còn ở mức thấp. Cộng đồng kinh tế ASEAN đang nỗ lực, tăng cường hài hòa các tiêu chuẩn nhằm xóa bỏ rào cản phi thuế quan đối với thương mại.
“Chương trình này được triển khai hướng tới giảm lượng tiêu thụ điện ở khu vực hộ gia đình, giảm phát thải khí nhà kính và xóa bỏ rào cản phi thuế quan cho thương mại giữa các nước ASEAN, khuyến khích hợp nhất thị trường khu vực”, ông Kittisak Sukvivatn cho biết.
Cắt băng chính thức khởi động dự án ASEAN SHINE.
Ông Rryan Fornari – Phó trưởng ban Hợp tác và phát triển – Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, dự án này đóng góp vào sự phát triển cho Việt Nam và khu vực. Trong vòng 15 và 20 năm qua, Việt Nam và các nước trong khu vực tăng trưởng mạnh mẽ. Những năm gần đây Việt Nam rất nỗ lực trong việc thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả, đặc biệt là về điện năng. Cam kết của Việt Nam cũng được thực hiện rõ ràng, thiết thực, đặc biệt là trong vấn đề sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Chương trình SWITCH ASIA được thúc đẩy sẽ góp phần làm tiêu dùng năng lượng hiệu quả hơn. Chương trình đã kết thúc giai đoạn một và SWITCH ASIA đã nhận được rất nhiều sáng kiến, đề xuất và được lựa chọn để Liên minh châu Âu tài trợ. Các sáng kiến đó rất phù hợp với các nước và có chất lượng cao.
“Dự án này rất quan trọng đối với khu vực, tập trung vào lĩnh vực năng lượng là rất phù hợp trong bối cảnh nhu cầu năng lượng hiện nay. Dự án không chỉ tập trung ở một nước mà các nước trong khu vực có sự điều phối với nhau, hài hòa hóa các tiêu chuẩn. EU muốn dự án triển khai ở Việt Nam chính là giá trị ra tăng cho Việt Nam. Các nước trong khu vực cần tăng cường giá trị gia tăng trong sản phẩm của mình bằng nâng cao chất lượng, công nghệ sản xuất. Thị trường châu Âu có tiêu chuẩn rất cao, khi hàng hóa của các nước trong khu vực ASEAN đạt các tiêu chuẩn của châu Âu cũng chính là đã được thị trường chấp nhận. Ngoài ra, EU cũng mong muốn, thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng, thúc đẩy sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng hơn. Nếu nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong sử dụng điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng cũng là cơ hội để thay đổi hành vi cho họ dùng các sản phẩm khác tiết kiệm năng lượng hơn. Đây là thách thức đối với chương trình trong tương lai”, ông Rryan Fornari cho biết.
Theo VietQ.vn