Friday, 08/11/2024 | 14:03 GMT+7
Một công trình được công nhận là "Công trình xanh" cần phải tuân thủ 5 nhóm yêu cầu chính gồm tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng vật liệu bền vững, đảm bảo chất lượng không khí trong nhà và địa điểm bền vững. Trong đó, tiêu chí về tiết kiệm năng lượng được coi là một tiêu chí quan trọng hàng đầu.
Tầm quan trọng của tiêu chí này đã được quy định rõ tại Quy chuẩn QCVN 09: 2013/BXD Các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả do Bộ Xây dựng ban hành mới đây. Cụ thể, những công trình có diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên, phải tuân thủ theo những quy chuẩn theo những quy định trong thiết kế và xây dựng.
Nhiều quy định của QCVN 09: 2013/BXD hướng đến các mục tiêu như giảm nhu cầu làm mát và chiếu sáng nhân tạo bằng cách thiết kế lớp vỏ công trình giảm được lượng bức xạ nhiệt, đồng thời tối đa hóa sử dụng ánh sáng tự nhiên. Nguyên nhân là do trong hầu hết các công trình xây dựng của Việt Nam, hệ thống làm mát và chiếu sáng là những hệ thống tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, khi chiếm đến 3/4 tổng năng lượng tiêu thụ.
Cùng với đó, các công trình cần cung cấp hệ thống làm mát và chiếu sáng hiệu quả, thông qua việc bắt buộc sử dụng hệ thống làm mát và thống gió tối ưu, kiểm soát chiếu sáng, quy định công suất chiếu sáng tối đa theo độ rộng của công trình. Ngoài ra, các công trình cũng được quy định lượng điện tiêu thụ và hệ thống đun nước nóng. Khi tuân thủ chặt chẽ theo những quy định của QCVN 09: 2013/BXD, công trình sẽ tiết kiệm tổng lượng năng lượng tiêu thụ từ 14% - 36%.
Đối với 3 chứng nhận công trình xanh phổ biến tại Việt Nam hiện nay bao gồm LEED, LOTUS và Green Mark cũng rất đề cao tiêu chí về tiết kiệm năng lượng. Được biết, các tổ chức từ chối cấp chứng nhận cho công trình không đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu, ngay cả khi dù công trình đó được đầu tư nhiều vào các nhóm tiêu chí khác.
Trước đó, tại diễn đàn Công trình xanh cho sự phát triển bền vững được tổ chức tại Hà Nôi tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển các công trình xanh. Bởi, một trong những tiêu chuẩn quan trọng của công trình xanh là tiết kiệm năng lượng. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam được dự đoán sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng vào năm 2020.
Tuy nhiên, trở ngại khi đầu tư vào những giải pháp tiết kiệm năng lượng nói riêng và xây dựng các công trình xanh nói chung là phần chi phí phụ trội so với các công trình thông thường. Theo số liệu được thu thập thông qua việc đánh giá công trình xanh được công nhận trên thế giới, khoản chi phí này thường cao hơn ở mức từ 0,5- 2,2%. Điều này gây ra khó khăn cho các chủ đầu tư khi tìm kênh hỗ trợ nguồn vốn. Dù biết rằng, với chi phí năng lượng tiết kiệm được, các công trình có thể sớm thu hồi được vốn đầu tư.
Theo nguồn tin từ Ngân hàng thế giới, sắp tới, IFC- công ty thành viên của tổ chức này sẽ tài trợ chương trình Thiết kế hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là EDGE (Excellence in Great Design and Efficiency). Thông qua chương trình này, chủ đầu tư các công trình có thể tiếp cận các ngân hàng được chỉ định để xúc tiến ưu đãi về vay vốn. Hy vọng đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.
Thanh Xuân