Friday, 15/11/2024 | 17:15 GMT+7

Tiết kiệmhàng tỷ USD nhờ năng lượng tái tạo

05/05/2015

Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất có thể đạt mức tiết kiệm lên đến 1,9 tỷ đô la tiền điện mỗi năm vào năm 2030 nhờ sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong một báo cáo có tựa đề “Triển vọng năng lượng tái tạo của Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất”, Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (Irena), Viện Masdar và Bộ ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã chỉ ra nước này có thể đạt mức tiết kiệm lên đến 1,9 tỷ đô la tiền điện mỗi năm vào năm 2030.

Các nước này sẽ chuyển đổi 10% tổng nguồn cung năng lượng và 25% trong lĩnh vực sản xuất điện sang các nguồn năng lượng tái tạo. Việc chuyển đổi này sẽ đem lại những lợi ích to lớn đối với sức khoẻ và môi trường sinh thái, có trị giá ước tính khoảng 1 – 3,7 tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030.

Ông Adnan Z. Ameen, Tổng giám đốc Irena cho biết: “Chiến lược đổi mới và đa dạng hoá của các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã tạo tiền đề cho nước này tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang bắt đầu diễn ra". 

Trong bản báo cáo này, các chuyên gia đã cho thấy thực trạng chi phí lắp đặt và vận hành các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng rẻ. Trong khi đó, chi phí sản xuất khí thiên nhiên trong nước và nhập khẩu nước ngọt ngày càng gia tăng. Điều này khuyến khích việc sử dụng năng lượng tái tạo như một giải pháp hiệu quả về tài chính. 

Tại các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, gió và mặt trời là 2 nguồn cung năng lượng dồi dào và có chi phí thấp nhất. Đặc biệt, chi phí lắp đặt các tấm pin mặt trời tại đất nước này đã giảm đến 80% kể từ năm 2008 và còn có xu hướng thấp hơn nữa. Trong tháng 4 vừa qua, dự án đấu thầu vườn mặt trời Mohammad Bin Rashid Solar Park ở Dubai đã được thông qua với mức giá điện chỉ dưới 6 cent Mỹ/kWh. Đây là mức giá thấp nhất trên thế giới hiện nay và mang tính cạnh tranh cao so với nguồn năng lượng khí đốt, với chi phí khoảng 8 đô la/BTU. 

Báo cáo trên cũng đã đề ra lộ trình thực hiện chiến lược chuyển đổi năng lượng tái tạo cho các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất trên các lĩnh vực sản xuất điện, công nghiệp chế tạo, công trình xây dựng và giao thông vận tải. Riêng trong lĩnh vực sản xuất điện, các nước này đặt ra mục tiêu nâng công suất từ 40 MW hiện nay lên 17.500 MW vào năm 2030.

Trường Duy (Theo Gulf News)