Sunday, 12/01/2025 | 20:52 GMT+7

Vì sao phải tiết kiệm điện?

12/08/2021

“Dùng càng nhiều giá điện càng cao” là thắc mắc của nhiều người dùng điện lâu nay. Tuy nhiên, điện là loại hàng hóa đặc thù, khác so với các mặt hàng khác nên việc này là có lý do.

Lý do dùng càng nhiều giá càng cao

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành chia theo 6 bậc thang áp dụng từ 2014. Theo đó, người dùng 0-50kWh trả mức giá thấp nhất là 1.678 đồng/kWh, người dùng chịu giá cao nhất khi sử dụng từ 401 số điện trở lên với mức giá 2.927 đồng/kWh.

Điều này khiến không ít người thắc mắc tại sao giá điện càng dùng nhiều càng đắt, đi ngược lại quy luật thị trường.

Tiết kiệm điện sẽ giúp hóa đơn tiền điện không nhảy vọt

Trên thực tế, điện là hàng hóa đặc thù, khác biệt so với nhiều loại hàng hóa thông thường khác. Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá giải thích: Dùng càng nhiều càng phải trả giá cao hơn thực chất là logic kinh tế đi từ đặc trưng của hệ thống điện. Phương thức đó là để giải bài toán về chi phí sản xuất điện, kể cả ở thời điểm bình thường và cả thời kỳ gia tăng phụ tải cao điểm; phải huy động các nguồn điện có giá thành khác nhau đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

“Dùng càng nhiều điện trả tiền càng nhiều, với giá càng cao chính là cách ứng xử về giá đáp ứng với yêu cầu khách quan của Quy luật khan hiếm tài nguyên, mà Quy luật này lại hoạt động trong một thị trường độc quyền có kiểm soát, chứ không phải ở hình thái thị trường cạnh tranh”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Theo ông Thỏa, chính là do Quy luật khan hiếm nguồn lực chi phối, bởi điện là loại tài nguyên được chuyển hóa từ nhiều loại tài nguyên không tái tạo sang, mà các loại tài nguyên này không phải là vô tận, thậm chí có loại đang cạn kiệt dần (dầu, than, khí đốt tự nhiên,... ) dẫn đến điện không phải là nguồn tài nguyên vô tận mà sử dụng lãng phí. Mặt khác, cung về điện hiện chưa đáp ứng đủ tốc độ tiêu thụ điện hàng năm.

Điều này, ông Thỏa cho hay, để phản biện lại các ý kiến cho rằng giá điện của chúng ta đang đi ngược với nguyên tắc của cơ chế thị trường là: “Lẽ ra càng mua nhiều thì giá càng rẻ, nhưng điện càng mua nhiều càng đắt”.

"Cũng chính điều này mới làm rõ cho công luận hiểu vì sao lại không quy định giá điện sinh hoạt đồng giá như nhiều ý kiến đặt ra”, ông Thỏa giải thích.

Khuyến khích tiết kiệm điện

Theo Bộ Công thương điện năng là hàng hoá đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người sử dụng điện trước và trả tiền sau.

Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả rất nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần (hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn).

Bộ Công thương cũng dẫn chứng các nước phát triển và đang phát triển đều áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt theo giá luỹ tiến bậc thang.

Cụ thể, Nhật Bản, Mỹ (California), Hàn Quốc, Trung Quốc giá luỹ tiến từ 3-5 bậc, một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia, Lào đều tính giá điện luỹ tiến trong khoảng 3, 8 bậc thậm chí 10 bậc.

"Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả", Bộ Công Thương nhiều lần nêu rõ.

Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần, việc khuyến khích tiết kiệm điện càng phải được thực hiện nghiêm túc. Nước đông dân và đang phát triển như Việt Nam thì vài chục năm nữa vẫn luôn trong tình trạng thiếu điện. Trong những ngày hè nóng nực như thế này nhiều địa phương vẫn phải cắt điện sinh hoạt để ưu tiên điện sản xuất và cho các thành phố lớn. Để không phải gặp cảnh cắt điện luân phiên, tiết kiệm điện, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cải tiến máy móc trang thiết bị tiêu tốn ít điện năng là điều người dân, doanh nghiệp nên làm.

Nguồn VNExpress