Friday, 08/11/2024 | 08:28 GMT+7

Đưa pin năng lượng mặt trời vào danh mục thu hồi, tái chế

15/09/2021

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó đề xuất đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm mà chủ nguồn thải phải thực hiện thu hồi, tái chế.

Thời gian gần đây, nhiều dự án điện năng lượng mặt trời được triển khai tại khu vực miền Trung và miền Nam. Thành phần chính của các tấm pin năng lượng mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối; tuổi thọ trung bình của các tấm pin mặt trời từ 10 - 20 năm, tùy thuộc vào địa điểm, môi trường khu vực triển khai dự án.

Siết chặt quản lý tấm quang điện heo tiêu chuẩn môi trường
Mặc dù, việc phát triển về năng lượng mặt trời là hướng đi đúng đắn nhưng trong bối cảnh Việt Nam đã và đang phải chứng kiến những thảm họa môi trường, khiến dư luận không khỏ lo ngại dự án này có tác động xấu đến môi trường?.
Những lo ngại này không phải không có cơ sở, bởi theo các chuyên gia, việc sản xuất pin của tấm pin năng lượng mặt trời sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si… có ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên do các pin này, với công nghệ sản xuất hiện nay, có tuổi thọ ngắn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tấm pin năng lượng mặt trời là sản phẩm có chức năng hấp thu năng lượng từ ánh sáng mặt trời và chuyển hóa thành điện năng, khác với các loại pin, ắc quy có chức năng tích điện khác. Loại chất thải này nếu chôn lấp không đúng quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước do có chứa kim loại nặng hoặc khí thải độc hại. Do vậy, cần đưa sản phẩm vào danh mục buộc phải thu hồi, tái chế.
Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang giao Tổng cục Môi trường chủ trì xây dựng thuyết minh đề tài khoa học và công nghệ “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và đề xuất giải pháp quản lý, xử lý tấm pin năng lượng mặt trời thải”; cơ sở để xem xét ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời thải.
Việc nhà đầu tư triển khai các dự án điện mặt trời, phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo và nhà sản xuất, phân phối tiến hành thu hồi các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng để tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải là hoạt động được khuyến khích, phù hợp với chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, quy định tại khoản 3 Điều 5 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Do vậy, các địa phương cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom chất thải để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để giám sát việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các tấm pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng từ nhà sản xuất, nhà phân phối theo quy định.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022), các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án điện mặt trời áp mái có quy mô nhỏ dưới 50ha thì chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục về đánh giá tác động môi trường, cũng như kế hoạch bảo vệ môi trường, nhưng vẫn phải thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại theo quy định.
Theo Báo Công Thương