Friday, 08/11/2024 | 04:49 GMT+7

Cần chính sách phát triển năng lượng Việt Nam bền vững

20/06/2022

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo "Cơ chế chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững". Hội thảo nhằm đưa ra nhiều lời giải bổ ích cho bài toán năng lượng, trong đó phân tích những cơ chế chính sách, thách thức về vốn đầu tư để rút ra những bài học kinh nghiệm cho các dự án.

Cụ thể, hội thảo làm rõ các vấn đề còn tồn tại của Quy hoạch điện VII mở rộng như: Lý do tại sao tiến độ của nhiều dự án trong Quy hoạch điện VII mở rộng bị kéo dài, trong đó có nhiều dự án chậm tới hàng chục năm như Dự án nhiệt điện Thái Bình 2; chuỗi dự án điện khí lớn nhất là Lô B-Ô Môn và Cá Voi Xanh - Quảng Nam, Quảng Ngãi… Để từ đó, rút kinh nghiệm để triển khai Quy hoạch điện VIII. 
Hội thảo “Cơ chế chính sách, giải pháp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững” diễn ra sáng 17/6 tại Hà Nội.(Ảnh: EVN)
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Hội thảo tập trung vào những vấn đề thiết thực cụ thể qua thực tiễn về phát triển năng lượng Việt Nam gồm điện, khí, các dự án năng lượng khác như than, sinh khối, điện mặt trời, điện gió, điện gió ngoài khơi. Bài học rút ra từ quy hoạch điện VII điều chỉnh nay rút kinh nghiệm để cho quy hoạch điện VIII được phát triển theo các chỉ tiêu định hướng, từ đó phân tích, đánh giá hiệu quả mục tiêu, tiến độ, sản lượng điện sản xuất và điện tiêu dùng. 
"Có 3 yếu tố quyết định của một dự án: yếu tố vốn là hàng đầu, hai là cơ chế chính sách, ba là sự chỉ đạo, lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, tới các nhà đầu tư, nhà thầu. Quá trình phát triển năng lượng là một quá trình kéo dài nhiều năm khó khăn, phức tạp làm cho các dự án cả điện, than, khí bị chậm tiến độ làm tốn kém kinh phí cho Nhà nước. Để giải quyết được vấn đề này cần có cơ chế chính sách, sự chỉ đạo từ trên xuống dưới, vai trò của các chủ đầu tư, giám sát các công trình năng lượng để các dự án đó không bị chậm tiến độ" - ông Trần Viết Ngãi nhấn mạnh.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ làm báo cáo kiến nghị đề xuất lên các cơ quan Trung ương, các Bộ ngành, các Tập đoàn, các nhà đầu tư, các nhà cấp vốn…về cơ chế chính sách và giải pháp để thúc đẩy phát triển năng lượng Việt Nam một cách bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường. 
Theo ông Nguyễn Anh Tú, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết năm 2021, tăng trưởng công suất nguồn điện bình quân là 11,6%/năm trong giai đoạn 2011-2021. Trong đó, công suất nhiệt điện than tăng bình quân 16,3%/năm, riêng giai đoạn 2016-2021 tăng 8,9%/năm. Công suất điện khí hầu như không tăng. Điện mặt trời từ năm 2019-2020 tăng gấp 3,5 lần từ 4,7 GW lên 16,4 GW…
Hiện nguồn điện cung cấp chủ yếu của Việt Nam vẫn là nhiệt điện và thủy điện, tuy nhiên nguy cơ không đảm bảo được tiến độ các nguồn nhiệt điện khá cao, bởi nguồn vốn đang bị siết chặt khi xu thế nhiều nước không hỗ trợ tài chính cho điện than (Sau COP26, nhiều quốc gia và tổ chức tài chính dừng cho vay với các dự án điện than, kể cả với các nhà đầu tư BOT nước ngoài). Cùng với đó, giá than nhập khẩu đang rất cao…
“Các dự án trong Quy hoạch điện VII chưa hoàn thành nhưng nay chuyển sang Quy hoạch điện VIII. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Quy hoạch điện VIII sẽ mang tính mở, tạo ra không gian để huy động và phát huy các nguồn lực từ xã hội. Mục tiêu là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng phải đảm bảo vận hành an toàn, kinh tế, bảo vệ môi trường; Phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu…”, ông Tú cho hay.
Tại dự thảo Đề án Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình Chính phủ tháng 4/2022 đã đề xuất kịch bản chuyển đổi cơ cấu nguồn điện với tổng quy mô công suất năm 2030 là 145.185 MW, trong đó các nguồn nhiệt điện than sẽ chuyển dần sang dùng biomass và amoniac; nguồn nhiệt điện khí LNG chuyên dần sang dùng hydrogen; Loại bỏ 6 dự án nhiệt điện than chưa triển khai gồm Quỳnh Lập I&II, Vũng Áng III, Long Phú II, Long Phú III, Phả Lại 3, Đảo Bài… Đồng thời không phát triển nhiệt điện than sau năm 2030, nhiệt điện LNG sau 2035.
Những năm qua, Nhà nước khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời với giá mua điện hấp dẫn, qua đó bổ sung công suất cho hệ thống điện Việt Nam khoảng 27%. Trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều tới điện gió ngoài khơi, vì điện gió ngoài khơi công suất tuabin từ 45-50MW, lớn hơn nhiều điện gió trong bờ (chỉ từ 3 đến 4MW). Điện gió ngoài khơi sẽ khắc phục được tình trạng thiếu điện và tiến tới xóa bỏ được điện phát thải khí nhà kính như nhiệt điện than, LNG…
Phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, kinh tế, bảo vệ môi trường; phát triển các nguồn điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng.
Khánh An