Monday, 23/12/2024 | 08:03 GMT+7

Phát triển năng lượng xanh, định hướng dài hạn của Chính phủ Việt Nam

21/03/2022

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng xanh, sạch, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên còn là sự chủ động định hướng dài hạn của Chính phủ.

Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch
Việt Nam đang nỗ lực để hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại “Dự thảo Quy hoạch điện VIII” theo hướng tiếp tục giảm mạnh nguồn điện than; Phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được phát triển mạnh với quy mô lớn; đồng thời, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại buổi tiếp ngài Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26 mới đây tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ về kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được cập nhật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính toán cơ cấu nguồn điện với tỷ lệ năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió) tăng rất cao. Năm 2030, tổng công suất nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) đạt quy mô 38 GW, chiếm tỷ lệ 24%. Chúng tôi được biết là các quốc gia phát triển như Mỹ hiện cũng chỉ khoảng 14-15%. Chúng tôi nâng lên mức 24-25% như thế này đã rất là cách mạng. Đến năm 2045, cả nguồn điện gió và điện mặt trời đều phát triển mạnh. Tổng quy mô công suất nguồn năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) sẽ đạt mức khoảng 56 GW, chiếm tỷ lệ 45% trong cơ cấu nguồn điện…”.
Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn năng lượng tái tạo đạt 20.670 MW, chiếm 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống (76.620 MW); sản lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Theo đó, Việt Nam đã có 70 dự án điện gió (công suất 3.987 MW) đã vận hành thương mại, sản lượng điện sản xuất năm 2021 đạt 3,34 tỷ kWh, chiếm 1,3% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Về điện mặt trời, riêng sản lượng điện từ các nguồn ĐMT trong năm 2021 chiếm khoảng 10,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tổng công suất lắp đặt điện sinh khối và rác là 321 MW đến tháng 10/2021. Trong một năm khó khăn do tình hình dịch bệnh như năm 2021, đây là những con số đáng mừng.
Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng sạch
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam VEPG vào cuối tháng 1/2022 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng An nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng xanh, sạch, bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên còn là sự chủ động định hướng dài hạn của Chính phủ.
Vấn đề tái cấu trúc ngành điện và ngành năng lượng được chỉ đạo quyết liệt cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, tiếp tục thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp không ưu tiên nắm giữ, xây dựng, từng bước hình thành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ theo lộ trình đã được phê duyệt. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 3.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, cụ thể như phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi.
Vì vậy, chiến lược phát triển ngành năng lượng dài hạn, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế giữ vai trò then chốt trong định hướng phát triển ngành năng lượng Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành ngày 11/02/2020 có ý nghĩa rất to lớn thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ Công Thương đang cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành thông qua việc xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện VIII, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam. Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện Việt Nam nói riêng trong thời gian tới.
Trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu đặt ra cho Việt Nam là hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững.
Dần hiện thực cam kết của Việt Nam tại COP 26
Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã tuyên bố sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh các quan hệ hợp tác quốc tế, kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ các tổ chức phát triển quốc tế, huy động sự hỗ trợ từ tổng thể các cơ quan liên quan, cũng như thu hút đóng góp tích cực từ khu vực ngoài nhà nước như các doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu.
Trong khi đó, TS. Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nhận định, trong tương lai, giá thành điện gió sẽ giảm mạnh. Trong 3 năm qua, năng lượng tái tạo đã chiếm tới trên 20% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Do đó, khả năng tới năm 2040-2045 rồi 2050, các nguồn năng lượng này có khả năng đạt tới 45-50% công suất lắp đặt toàn hệ thống. Đây là hiện thực.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, phát thải khí nhà kính không phải chỉ có từ nhiệt điện. Nền công nghiệp của Việt Nam cũng đốt nhiều than. Nông nghiệp cũng đóng vai trò phát thải khí nhà kính chứ không phải chỉ có công nghiệp và năng lượng. Bên cạnh những lĩnh vực phát thải ra khí nhà kính, thì chúng ta cũng có những phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, để khí CO2 không thải ra môi trường. Đó là lâm nghiệp, trồng rừng. Các cánh rừng là bể hấp thu CO2 phát ra nên phải trồng rừng, không được phá rừng. Nếu Việt Nam phát thải ra nhiều CO2 nhưng có các cánh rừng hấp thụ lại thì sẽ là yếu tố để tạo thành net – zezo.
Có thể nói, phát triển năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính sẽ dựa chủ yếu vào năng lượng gió và mặt trời. Điện mặt trời cũng giảm được phát thải nhưng cũng gây khó khăn trong hệ thống điện khi chỉ phát ban ngày. Hệ thống lưới điện không đủ để truyền tải lượng điện mặt trời sản xuất ra khi tập trung chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận… Nhu cầu sử dụng tại chỗ rất thấp, cho nên sản xuất nhiều điện mà không tải đi được. Muốn tải đi được phải xây dựng hệ thống truyền tải rất tốn kém. Vì vậy phát triển năng lượng tái tạo bên cạnh điện mặt trời còn có điện gió và điện sinh khối cũng đang là những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam.
Theo: Báo Công Thương