Friday, 27/12/2024 | 19:23 GMT+7

3 giải pháp để Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo

13/04/2023

Tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai ba giải pháp về tăng cường lưới điện, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực, tài chính để thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

Ngày 11-4, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết đã ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Tăng cường hạ tầng lưới điện
Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước được triển khai với ba nhóm giải pháp chính.
Tỉnh Ninh Thuận triển khai đề án phát triển thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Nhóm giải pháp thứ nhất là tăng cường hạ tầng lưới điện, phát triển phụ tải. Tỉnh Ninh Thuận sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thuộc EVN có kế hoạch, lộ trình đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình truyền tải điện phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, phân phối phải gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương, đảm bảo chất lượng điện, độ tin cậy cung cấp điện ngày một nâng cao và phù hợp với quy hoạch tổng thể về năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, định hướng, hướng dẫn các nhà đầu tư trong vấn đề dùng chung hạ tầng truyền tải điện đảm bảo mỹ quan, tiết kiệm đất đai, chi phí đầu tư. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện xã hội hóa trong đầu tư, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung kêu gọi thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp để tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, hạn chế truyền tải đi xa nhằm giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ triển khai, đẩy nhanh dự án thủy điện tích năng Bác Ái (1.200 MW), kêu gọi đầu tư thủy điện tích năng Phước Hòa (1.200 MW).
Bên cạnh đó, xây dựng mới, nâng cấp cải tạo theo quy hoạch các trạm, đường dây điện 500 kV, 220 kV, 110 kV, đường dây trung thế, kết nối với các nguồn điện trong tỉnh, phục vụ cho việc giải toả công suất nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, LNG.
Ninh Thuận xây mới, nâng cấp các trạm, đường dây truyền tải điện.
Khuyến khích tư nhân đầu tư hạ tầng truyền tải điện
Giải pháp thứ hai là cơ chế, chính sách. Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách; nhất là kiến nghị hình thành, phát triển trung tâm năng lượng tỉnh Ninh Thuận.
Đồng thời, kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Điện lực để có cơ chế phù hợp khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải.
Cùng với đó, đề nghị xây dựng luật về năng lượng tái tạo để đảm bảo những nền tảng pháp lý quan trọng trong phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo một cách bền vững, đồng thời tiếp tục tạo dựng môi trường công khai, minh bạch để phục vụ cho thị trường điện cạnh tranh.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành hoặc chỉ đạo ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án điện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các cơ chế đầu tư đầu tư, hoàn vốn, thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA)…
Đến năm 2030, Ninh Thuận có quy mô công suất tích lũy đạt khoảng 11.800 MW. 
Cuối cùng là giải pháp phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn lực tài chính. Tỉnh sẽ thu hút nguồn nhân lực, vận động chuyên gia có trình độ cao về làm việc và xây dựng chính sách phát triển nguồn lực tổng thể, các chương trình đào tạo cho những khâu then chốt của ngành năng lượng phù hợp.
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đến năm 2025, quy mô công suất tích lũy các nguồn điện đạt khoảng 6.500 MW, tương ứng khoảng hơn 3.000 lao động. Đến năm 2030, quy mô công suất tích lũy đạt khoảng 11.800 MW tương ứng với gần 5.000 lao động.
Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh này có 35 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.412 MW, 11 dự án điện gió với tổng công suất 666 MW đã đưa vào vận hành.
Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 tổng công suất tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW.
Theo: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh