Monday, 23/12/2024 | 01:49 GMT+7

Năng lượng xanh - xu hướng toàn cầu năm 2024

24/01/2024

Sau một năm quay cuồng với dư chấn của đại dịch toàn cầu, sự bất ổn địa chính trị, khó khăn kinh tế, và cả những mặt trái của trí tuệ nhân tạo…, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng rằng 2024 sẽ xuất hiện những xu hướng phát triển có tính bước ngoặt. Trong số đó, năng lượng xanh được coi là một xu hướng toàn cầu nổi bật.

Những xu hướng nổi bật năm 2024
Tạp chí Forbes vừa đưa ra danh sách 15 xu hướng toàn cầu nổi bật vào năm 2024, bao gồm các xu hướng về chính trị, kinh tế, môi trường, công nghệ…
Năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ tạo ra bước ngoặt trong năm 2024. Ảnh: Internet
Ở góc độ địa chính trị, xu hướng biến động của năm 2024 được xem là sẽ đến từ các cuộc bầu cử, bởi đây là thời điểm diễn ra những cuộc bầu cử quan trọng ở nhiều nước. Theo các chuyên gia của Forbes, bước sang năm 2024, thế giới đang chuẩn bị cho năm bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử, với 40 cuộc bầu cử quốc gia sắp diễn ra. Vòng xoáy địa chính trị này ảnh hưởng tới 41% dân số toàn cầu và 42% GDP, tác động tới trật tự toàn cầu. Đặc biệt, ở một số quốc gia như Mỹ, Anh, Nam Phi, Indonesia, Ấn Độ, Mexico và Nga, các cuộc bầu cử có thể tạo ra những thay đổi lớn.
Ở góc độ công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên một cuộc cách mạng trên toàn cầu trong năm 2023 và sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn trong năm 2024. Theo Bill Gates, việc chuyển đổi từ “bots” sang “agents” sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong điện toán kể từ khi chúng ta chuyển từ gõ lệnh sang nhấn vào biểu tượng, và năm 2024 có thể là năm thương mại hóa các “agent” cá nhân. “Agent” cá nhân là chương trình máy tính thông minh, được ví như các “đặc vụ Jame Bond 007 của riêng bạn”, nó có khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp mà không cần đến sự can thiệp lớn từ người sử dụng.
Bên cạnh đó, các xu hướng công nghệ trong lĩnh vực văn phòng được xem là sẽ tác động lớn đến bất động sản văn phòng. Chẳng hạn như công nghệ Generative AI đang nâng cao cả không gian họp vật lý và ảo. Hội nghị truyền hình sẽ phát triển với khả năng phân tích theo thời gian thực, tạo ra các phòng họp nhóm và bảng trắng do AI điều khiển, biến ghi chú thành nhiệm vụ. Vào năm 2024, các cuộc họp ảo sẽ trở thành trải nghiệm phong phú, được hỗ trợ bởi AI, biến các phòng họp truyền thống thành không gian linh hoạt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, công nghệ này sẽ tác động rõ rệt tới bất động sản văn phòng, với dự kiến giá trị văn phòng sẽ giảm 35% vào cuối năm 2025 và tỷ lệ trống cao kỷ lục trên toàn cầu. Điều này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tài chính bất động sản thương mại…
Năng lượng xanh - bước ngoặt cho sự phát triển
Đáng chú ý trong các xu hướng toàn cầu 2024, theo dự báo của các chuyên gia, là các cột mốc trong lĩnh vực năng lượng xanh sẽ tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển bền vững.
Một thành tựu nổi bật của năm 2023 là sự gia tăng toàn cầu trong việc áp dụng năng lượng tái tạo. Năm qua, chúng ta chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và mua xe điện. Giá pin mặt trời, máy bơm nhiệt ở cấp độ công nghiệp và hộ gia đình cũng như giá năng lượng gió đều giảm. Điều này làm dấy lên hy vọng về việc áp dụng năng lượng sạch mạnh mẽ hơn trong năm mới.
Trang tin euronews.com cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy tín hiệu lạc quan về vấn đề năng lượng xanh và môi trường. Đáng chú ý nhất là kết quả khả quan từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc COP28, diễn ra vào cuối tháng 11-2023 tại Dubai. Đây là lần đầu tiên sau ba thập niên tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP, các quốc gia nhất trí về việc phối hợp giảm sử dụng dầu, khí đốt và than đá, vốn chiếm 80% năng lượng toàn cầu. COP28 cũng kêu gọi tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm lượng than và tăng tốc các công nghệ như thu hồi và lưu trữ carbon.
Các hoạt động môi trường cũng đạt được nhiều thành tựu trên toàn cầu. Một thông tin tốt lành, theo Forbes, là nạn phá rừng ở rừng nhiệt đới Amazon, lá phổi của hành tinh, đã giảm 22% trong năm 2023. Những nỗ lực hạn chế nạn phá rừng không chỉ giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách bảo tồn các “bể chứa carbon” tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái. Các cộng đồng bản địa đã giành được quyền bảo vệ 225 nghìn mẫu đất rừng khỏi hoạt động khai thác mỏ ở miền Tây nước Mỹ. Cả hai đều mang lại lợi ích đáng kể cho khí hậu, vì rừng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 và duy trì mức carbon toàn cầu.
Với những tín hiệu khả quan kể trên, năm 2024 được coi là thời điểm bước ngoặt cho quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch, thực hiện các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Việc áp dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng đóng vai trò là “ngọn hải đăng hy vọng”, thể hiện cam kết của thế giới đối với một tương lai bền vững. Mặc dù vẫn còn thách thức trong việc đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng và hợp lý, nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng của năng lượng tái tạo cung cấp bằng chứng thuyết phục về một tương lai bền vững trong tầm tay.
Theo: Hà Nội mới