Friday, 22/11/2024 | 17:08 GMT+7

Năng lượng xanh - giải pháp vàng để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

27/06/2023

Không chỉ đem đến các điều kiện cơ bản trong quá trình hội nhập quốc tế và các đòi hỏi từ thị trường, việc áp dụng năng lượng xanh còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.

Lợi ích hàng đầu của năng lượng xanh chính là bảo vệ môi trường, góp phần giảm khí thải CO2 – nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng hiệu ứng nhà kính. Việc vận hành các hệ thống điện năng lượng xanh thải ra môi trường rất ít khí thải, góp phần giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí, khí nhà kính sẽ dần trở về mức cân bằng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm đất và nước cũng được giảm thiểu.
Công trình áp dụng năng lượng xanh tại Anh.
Nguồn năng lượng xanh có thể tái tạo được trong một chu kỳ ngắn, do đó giá thành sẽ rẻ hơn so với năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, các công trình sử dụng điện năng lượng góp phần giúp người dân giảm được hóa đơn tiền điện hàng tháng, thậm chí còn sinh lời nhờ chính sách bán lại điện cho điện lực quốc gia. Đây là nguồn năng lượng vô hạn bởi năng lượng xanh có thể tái tạo và không bao giờ cạn kiệt. Ví dụ điển hình nhất là nguồn năng lượng từ ánh sáng mặt trời có thể sử dụng trong vòng 6,5 tỷ năm nữa, bởi vậy khai thác các nguồn năng lượng này có tiềm năng rất lớn.
Hiện nay, các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh đã được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam nghiên cứu triển khai ở đa dạng các dự án như khách sạn, chung cư, tòa nhà thương mại...
Các công trình áp dụng năng lượng xanh trên thế giới
Theo một số liệu thống kê tại Mỹ, riêng năng lượng tiêu thụ của các công trình xây dựng chiếm đến 20% tổng năng lượng tiêu thụ của quốc gia này. Ngoài ra, các công trình xây dựng này cũng phát thải ra 39 tổng lượng khí thải CO2, tương đương với 2,1 tỷ tấn.
Tại Anh, vào tháng 9/2017, một con đường nhỏ ở khu vực trung tâm West End tại thủ đô London đã được một công ty sáng chế ra một đoạn đường thông minh với diện tích 10m2, có khả năng hấp thụ năng lượng từ những bước chân của con người. Đây là con đường đầu tiên trên thế giới với tên gọi Paven, trùng với tên công ty đã sáng lập. Điều đặc biệt của con đường này là năng lượng thu được dùng để thắp sáng đèn đường và phát âm thanh như tiếng chim hót ngay trong khu vực.
Thậm chí, với khả năng kết nối thông qua bluetooth, người đi bộ còn có thể tương tác với mặt đường, kiểm tra xem bước chân của mình đã tạo được bao nhiêu năng lượng sạch. Thành tích tạo năng lượng của người đi bộ còn được chuyển hóa thành thẻ tích điểm khi mua hàng tại các siêu thị liên kết.
Đoạn đường thông minh có khả năng hấp thụ năng lượng từ những bước chân.
Trong khi đó, nhiều thành phố tại Pháp đã tự trang bị cho mình đèn đường thông minh và bóng đèn LED, cho phép giảm đến 65% mức tiêu thụ năng lượng. Nhật báo Le Figaro cho biết xu hướng này đang ngày càng được chú trọng theo yêu cầu của Chính phủ, nhằm đối phó với tình trạng khan hiếm năng lượng.
Các đường phố tại Pháp chỉ bật đèn đường khi có người đi bộ hoặc ô tô đi qua.
Tại Scotland, công trình nhà máy điện sóng kết nối lưới đầu tiên trên thế giới mang tên Limpet, được công ty năng lượng sóng đầu tiên của nước này là Wavegen xây dựng trên đảo Islay (phía tây Scotland) vào năm 2000. Limpet tận dùng nguồn năng lượng sóng biển dồi dào từ đại dương để tạo ra nguồn điện sử dụng cho các cư dân đảo. Cũng tại quốc gia này, nhà máy điện sử dụng năng lượng thủy triều quy mô lớn đầu tiên trên thế giới tại eo biển Pentland Firth chính thức đi vào hoạt động vào tháng 9/2016. Trong giai đoạn đầu của dự án, 4 tổ máy đặt dưới nước, mỗi tổ máy có công suất 1,5 MW.
Áp dụng năng lượng xanh tại các công trình tại Việt Nam
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh đã được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam nghiên cứu triển khai ở đa dạng các dự án như khách sạn, chung cư, tòa nhà thương mại... Trong quá trình vận hành tòa nhà, 2 lĩnh vực gây tiêu tốn năng lượng nhiều nhất là chiếu sáng và điều hòa không khí. Để hạn chế sử dụng các thiết bị chiếu sáng cũng như điều hòa không khí, cần thiết kế bề mặt và hướng của tòa nhà sao cho phù hợp. Chính vì vậy, trong các chỉ số chính của hệ thống đánh giá công trình xanh, có các chỉ số tiết kiệm năng lượng hàng ngày là hiệu quả năng lượng của thiết kế vỏ tòa nhà, hệ thống chiếu sáng và điều hòa không khí.
Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng đổi mới quy trình vận hành sản xuất, đầu tư trang thiết bị công nghệ nhằm giảm chi phí về năng lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp đã thực hiện mô hình quản lý năng lượng, các giải pháp kỹ thuật, đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, thực hiện các giải pháp kỹ thuật theo nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp. Năm 2022, theo đánh giá sơ bộ, TP. Hà Nội đã tiết kiệm được 131,3 kTOE, đạt 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu.
Trong thời gian tới, việc áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ được các doanh nghiệp triển khai theo hai hướng:
- Tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên: Điều kiện khí hậu nước ta là nhiệt đới ẩm gió mùa. Thời gian nắng trong năm dài, lượng bức xạ mặt trời lớn, mùa hè nóng nhưng có gió mát thổi. Việc tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên này sẽ giúp giảm điện năng dùng cho chiếu sáng bằng cách lấy ánh sáng tự nhiên. Hoặc giảm điện năng dùng cho hệ thống làm mát bằng thiết kế nhà thông gió tự nhiên.
- Sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh: Hệ thống chiếu sáng điều khiển thông minh sẽ giúp giảm hoặc cắt hẳn lượng chiếu sáng không cần thiết. Các sensor cảm ứng và điều khiển tự độ độ sáng của đèn dựa trên điều kiện ánh sáng, tự động tắt khi không có người sử dụng. Các thiết bị chiếu sáng giúp tiết kiệm năng lượng như đèn Compact, đèn LED...
Theo: Tạp chí Tài chính