Tuesday, 19/11/2024 | 09:48 GMT+7
Những bàn tay đeo găng trắng cẩn thận đóng gói các tấm pin mặt trời tại nhà máy trị giá 1,85 tỉ USD mà Singapore thuyết phục hãng Renewable Energy Corp (REC) của Na Uy xây dựng tại đảo quốc sư tử. Đây là nhà máy lớn nhất thế giới thuộc loại này, sản xuất pin và các công cụ khác tận dụng nguồn năng lượng mặt trời.
Thu hút REC đến Singapore là cú đột phá quan trọng và là một thành tố then chốt trong nỗ lực của Singapore để trở thành trung tâm toàn cầu về đầu tư, phát triển và giáo dục công nghệ sạch, đồng thời là trung tâm của thị trường carbon. “Chúng tôi tin châu Á sẽ trở thành thị trường khổng lồ đối với các sản phẩm và giải pháp công nghệ sạch, và chúng tôi muốn bảo đảm Singapore kết nối được với thị trường này”, ông Goh Chee Kiong, giám đốc phụ trách công nghệ sạch tại Cục Phát triển kinh tế (EDB)của chính phủ Singapore cho biết.
Cột trụ
Chính phủ Singapore muốn ngành công nghệ sạch trở thành cột trụ chính của nền kinh tế đang bùng nổ của đảo quốc sư tử, vốn đã trở thành trung tâm của khu vực về dịch vụ tài chính, công nghiệp hóa dầu, bán dẫn, giáo dục, vận tải biển và hàng không. Nước này đã đưa ra những kế hoạch đầu tư, chính sách thuế hấp dẫn và nhiều ưu đãi khác từ năm 2007 để đạt được mục tiêu. Ngành công nghệ sạch của Singapore thu hút gần 10.000 lao động và mục tiêu đang nhắm đến là 18.000 người vào năm 2015.
Nhà máy của REC, sẽ chính thức mở cửa vào cuối năm nay, hiện đã tuyển dụng 1.200 người và tọa lạc trên diện tích 1km2 đất vừa được cải tạo tại khu công nghiệp Tuas. Ông John Andersen Jr., Phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc phụ trách hoạt động của tập đoàn trên khẳng định: “Một trong những tiêu chí của chúng tôi trong nhiều lý do để chọn Singapore là việc có sẵn đất”. Quy mô của khu vực Tuas là đáng kể nếu xét đến việc Singapore chỉ có 710km2 đất.
REC đã nhận hơn 140 đề nghị từ khắp nơi trên thế giới về việc xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời thế hệ kế tiếp. Sau cùng, nguồn lao động có tay nghề, các ưu đãi về thuế, sự hỗ trợ của chính phủ và môi trường đầu tư của Singapore đã giúp đảm bảo một thỏa thuận. "Một trong những điều mà chúng tôi thích về Singapore là quốc gia này được quản lý tốt, có sự minh bạch và sự tập trung mạnh mẽ vào công nghệ sạch", Andersen nói. Sự hỗ trợ của chính phủ Singapore đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng đóng vai trò then chốt.
Trung tâm carbon
Chính phủ Singapore đã dành khoảng 500 triệu USD để thúc đẩy ngành R&D và
đã công bố 200 học bổng tiến sĩ về công nghệ sạch cũng như đưa ra những khóa học
về công nghệ sạch cho sinh viên nhằm đảm bảo dòng lao động có kỹ năng. Để thúc
đẩy ngành này, chính phủ Singapore đã thành lập viện nghiên cứu năng lượng mặt
trời. Nước này cũng đã công bố thành lập một công viên công nghệ cao rộng 50
héc-ta nhằm chế tạo, thử nghiệm và thương mại hóa những sản phẩm như cao ốc hiệu
quả năng lượng, xử lý chất thải và xe điện các loại.
Các công ty khác được thu hút đến quốc gia Đông Nam Á này bao gồm Vestas, hãng sản xuất turbine gió hàng đầu thế giới vốn đã cam kết chi hơn 350 triệu USD trong 10 năm tới để hình thành một trung tâm R&D. Những ưu đãi như thuế công ty và kinh doanh thấp đã thu hút 30 công ty kinh doanh khí thải carbon đến Singapore. Hãng phát triển dự án năng lượng sạch Tricorona của Thụy Điển đã thành lập trụ sở hành chính toàn cầu của mình tại Singapore. Tập đoàn E.ON của Đức gần đây đã di dời nhóm phát triển dự án năng lượng sạch của mình từ Malaysia sang Singapore. Hãng Gazprom của Nga chọn Singapore làm căn cứ châu Á để kinh doanh khí hóa lỏng và carbon.
Phòng thí nghiệm
Vì sự nhạy bén trong kinh doanh của mình, chính phủ Singapore đã bị buộc tội không có nỗ lực tương tự trong việc cắt giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang gia tăng của nước này, hiện tại với mức 12 tấn trên đầu người đã cao hơn một số nước châu Âu.
Đáp lại, chính phủ Singapore cho biết họ làm được nhiều việc hơn và muốn biến đảo quốc của họ thành nơi thử nghiệm công nghệ mới. Singapore đã công bố những chương trình chế tạo xe chạy điện, các lưới điện thông minh và đang thử nghiệm gắn pin mặt trời trên các khu nhà ở và bãi đậu xe ở 30 địa điểm. “Giai đoạn tiếp theo là biến Singapore thành phòng thí nghiệm di động”, ông Goh nói.
Thúy Hằng