Thursday, 23/01/2025 | 12:06 GMT+7

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

31/07/2011

Điểm đáng lưu ý của quy hoạch điện VII là ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...

Quy hoạch phát triển điện VII được ban hành tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg nhằm mục tiêu chính là cung cấp đủ nhu cầu điện để phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống xã hội. Theo đó, ước tính, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 vào khoảng 194-210 tỷ kWh; năm 2020 khoảng 330-362 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 695-834 tỷ kWh.

6390fc1cd_turbin_dien_gio_10.jpg

Cơ cấu nguồn điện trong Tổng sơ đồ điện VII chỉ rõ Năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 75.000MW, trong đó: thủy điện chiếm 23,1%; thủy điện tích năng 2,4%; nhiệt điện than 48%; nhiệt điện khí đốt 16,5%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%; điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 146.800MW, trong đó thủy điện chiếm 11,8%; thủy điện tích năng 3,9%; nhiệt điện than 51,6%; nhiệt điện khí đốt 11,8%; nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 9,4%; điện hạt nhân 6,6% và nhập khẩu 4,9%.

Như vậy, điểm đáng lưu ý của quy hoạch điện VII là ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này ở mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% tổng điện năng sản xuất vào năm 2020 và đạt 6% vào năm 2030.

Cụ thể, quy hoạch đã đề ra mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000MW vào năm 2020, khoảng 6.200MW vào năm 2030; điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030. Quy hoạch cũng ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án lợi ích tổng hợp: Chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200MW hiện nay lên 17.400MW vào năm 2020. Ngoài ra, sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020 và đến năm 2030, dự kiến, nguồn điện hạt nhân sẽ đạt đến công suất 10.700MW, sản xuất được khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).

Với những lợi thế về tiềm năng, cộng với sự thành công của một số dự án điện gió, động thái mới nhất của Chính phủ nhằm hỗ trợ phát triển các dự án điện gió là Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về những cơ chế ưu tiên cho phát triển điện gió. Thời gian tới dự kiến sẽ có thêm những ưu tiên cho phát triển các nguồn năng lượng mới khác.

Một phần các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, cực nhỏ; pin mặt trời, gió kết hợp với nguồn diezen sẽ được đầu tư để cấp điện cho khu vực nông thôn đặc biệt là các xã ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với lưới điện quốc gia với mục tiêu đến năm 2015 có 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện; đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện.

Để thực hiện mục tiêu đó, giai đoạn 2011-2015, đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2016-2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.

Hùng Linh