Thursday, 23/01/2025 | 12:16 GMT+7

Liên minh châu Âu và vấn đề năng lượng gió

17/08/2011

Đến năm 2050, châu Âu sẽ sử dụng 50% năng lượng gió trong tổng cán cân năng lượng (nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, điện mặt trời..

Sử dụng nguồn năng lượng nào trong nền kinh tế quốc dân mà vẫn đảm bảo an toàn và không gây ô nhiễm cho môi trường đang là một vấn đề được khá nhiều quốc gia, nhất là khu vực châu Âu lưu ý trong việc hoạch định chiến lược trung hạn phát triển ngành Năng lượng của mình.

Đến năm 2050, châu Âu sẽ sử dụng 50% năng lượng gió trong tổng cán cân năng lượng (nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, điện mặt trời...). Đây là con số vừa được công bố trong báo cáo của Hiệp hội Năng lượng Gió châu Âu (EWEA). Hiện nay, năng lượng gió tại EU mới chỉ chiếm khoảng 5,3% tổng năng lượng được sử dụng tại đây. Theo dự báo, đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 3 lần và ở mức 18,4%.

77f9ed863_gio.jpg

Trong báo cáo chính thức mới được công bố của Ủy ban châu Âu thì đến năm 2020, năng lượng gió sẽ chiếm 14,2% toàn bộ năng lượng được sử dụng tại EU. Tuy nhiên, theo dự báo của các nhà khoa học đầu ngành thì tỷ lệ này còn cao hơn nhiều. Cụ thể, tỷ trọng sử dụng năng lượng gió trong tổng cán cân năng lượng của EU đến năm 2030 có thể là 28,5% và đến năm 2050 sẽ là 50%.

Theo báo cáo của EWEA thì hiện tại, Đức và Italia là hai nước có ngành Năng lượng gió phát triển nhất và chiếm tới một nửa năng lượng gió của toàn châu Âu.

Sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 của Nhật bản tháng 3 vừa qua, 7 nhà máy điện hạt nhân lâu năm nhất của Đức đã bị đóng cửa. Chính phủ Đức đã ra tuyên bố đến năm 2022 sẽ đóng cửa toàn bộ 17 nhà máy điện hạt nhân trên phạm vi cả nước, trong đó có 8 nhà máy quá cũ kỹ và rất nguy hiểm sẽ được đóng cửa sớm hơn. Quyết định cuối cùng về vấn đề ngừng toàn bộ điện hạt nhân vào năm 2030 cũng đã được thông qua vào ngày 06 tháng 6 năm 2011.

Năm 2010, các nhà máy điên hạt nhân của Đức đã sản xuất ra một khối lượng điện chiếm 23% tổng sản lượng điện sản xuất ra của cả nước.

Theo ông Sergey Kirienko – Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nga thì hiện nay đã có 5 nước tuyên bố đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân đó là: Đức, Italia, Áo, Thụy sỹ và Thái Lan, ngoài ra còn có 3 nước đã đưa ra quyết định ngừng tạm thời điện hạt nhân là NhTật bản, Singapor và Brazil. Tuy nhiên, vẫn còn 39 nước chưa có ý định thay đổi chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của mình. Ông Sergey Kirienko cũng khuyến cáo rằng việc ngừng sử dụng năng lượng hạt nhân và thay thế bằng các nguồn năng lượng khác sẽ thải ra môi trường 1,7 tỷ tấn khí thải CO2.

Hiện nay, nhiều nước công nghiệp phát triển, nhất là khu vực châu Âu đang đẩy mạnh nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sử dụng năng lượng trong nền kinh tế của mình theo hướng giảm dần sự lệ thuộc vào sử năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện) và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng gió và năng lượng mặt trời là hai loại hình được ưu tiên.

Bộ Công Thương