Saturday, 23/11/2024 | 03:59 GMT+7

Đẩy mạnh khai thác tiềm năng từ phong điện

29/08/2011

Phong điện không những là ngành công nghiệp thân thiện với môi trường mà còn giúp giải quyết bài toán về thiếu hụt năng lượng cho Việt Nam trong tương lai.

Mặc dù được đánh giá là một trong những nước có nguồn năng lượng gió dồi dào, nhưng đến nay sự phát triển phong điện ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050”, phong điện trong năm 2010 phải đạt khoảng 3% tổng sản lượng năng lượng thương mại sơ cấp. Thế nhưng, cho đến nay mới chỉ có một nhà máy phong điện ở Bình Thuận với  công suất 7,5  MW. Chính phủ hiện đang chủ trương thúc đẩy các hoạt động đầu tư phát triển phong điện nhằm bổ sung, thay thế nguồn nhiên liệu hoá thạch đang dần dần cạn kiệt.   
         
Chưa tương xứng với tiềm năng
     
Theo  tính toán  của Bộ Công Thương, Việt Nam rất thích hợp cho các dự án, công trình phát triển phong điện với tổng công suất ước tính lên đến 513.360 MW. Chỉ tính tỉnh Bình Thuận cũng có trên 75.000ha có tiềm năng đưa vào quy hoạch sản xuất phong điện, với tổng công suất có thể lắp đặt khoảng 5.030 MW. Các khu vực có vận tốc gió trung bình tối thiểu 6,5 m/giây cũng lên tới hơn 23.000ha với công suất có thể lắp đặt ước khoảng 1.570 MW. Bình Thuận dự kiến công suất lắp đặt phong điện  đến năm 2015 khoảng 1.500 MW và sẽ đạt khoảng 3.000 MW vào năm 2020.

167d60db0_duanphongdienninhthuan.jpg
 
Mặc dù được đánh giá là một trong những nước có nguồn năng lượng gió dồi dào, nhưng đến nay sự phát triển phong điện ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với  tiềm năng.  

Bộ Công Thương cho biết cả nước hiện mới có 42 dự án phong điện - tập trung chủ yếu tại 12 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với tổng công suất 3.906 MW. Trong đó, 1/3 số dự án có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài như Đức, Canada , Thụy Sĩ, Argentina, nhưng việc đầu tư còn chậm và mang tính thăm dò.   
 Năm 2009 khi làm tờ trình Chính phủ nghị định khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, bình quân giá phong điện Việt Nam  vào khoảng 0,125 USD/KWh, trong khi giá điện bình quân thời điểm đó mới chỉ khoảng 0,053 USD/KWh. Nếu tính cả lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất (ngày 1/3/2011),  giá điện bình quân mới có 1.242 đồng/KWh (tương đương 0,059 USD/KWh).      

Lý giải khó khăn trong việc phát triển phong điện ở Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết giá thành phát điện của phong điện vào khoảng 0,07-0,12 USD/KWh, khi lãi suất vay tăng thì giá thành phát điện có thể đến 0,14 USD/KWh. Như vậy, so với thủy điện, giá phong điện là rất cao. Phải cần vài năm nữa, khi giá điện đạt được mức giá thị trường và giá bán than không thấp hơn giá sản xuất thì điện gió sẽ có cơ hội phát triển mạnh.

Ông Nguyễn Đức Cường, Trung tâm năng lượng tái tạo và CDM, Viện Năng lượng cho rằng,  do chi phí đầu tư cao (mức đầu tư cao nhất là 2,77 triệu USD/MW, thấp nhất là 1,77 triệu USD/MW và trung bình là 2,2 triệu USD/MW, gấp đôi thủy điện) dẫn tới giá thành, giá bán điện cao. Trong khi giá bán của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ cho EVN dao động từ 450 đồng  đến 700 đồng/KWh, giá phong điện lên tới hơn 1.300 đồng/KWh  nên người dân  khó chấp nhận.
   
Ngoài ra, phong điện hiện đang vấp phải một số trở ngại nhất định như chưa có quy hoạch và chính sách minh bạch, rõ ràng, thống nhất từ trung ương đến địa phương; xã hội chưa nhận thức đầy đủ về  tác động tích cực, quan trọng của phong điện. Đặc biệt, vốn đầu tư và giá thành sản xuất khá cao khiến các nguồn năng lượng tái tạo rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.  
         
Nhiều ưu đãi cho phát triển phong điện
      
Để khuyến khích phát triển các dự án đầu tư phong điện tại Việt Nam được thuận lợi, hiệu quả,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phong điện ở Việt Nam.
      
Theo đó, các dự án phong điện được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án, hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm mà trong nước chưa sản xuất được... để phục vụ các dự án phong điện. Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án phong điện được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án phong điện và công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.  

Đặc biệt, các dự án phong điện gió nối mạng còn được hỗ trợ giá điện. Cụ thể, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án phong điện với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/KWh (tương đương 0,078 USD/KWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá VND /USD. Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy phong điện là 207 đồng/KWh (tương đương 0,01 USD /KWh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.    
 
Ngoài các ưu đãi nói trên, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, đề xuất hiệu chỉnh mức giá mua điện tại điểm giao nhận và mức hỗ trợ giá điện trình Thủ tướng quyết định trên nguyên tắc giảm dần tiến tới xóa bỏ trợ giá khi giá bán điện thực hiện theo giá thị trường. Như vậy, với cơ chế giá này, EVN sẽ phải mua điện gió với giá 1.421 đồng/KWh (khoảng 0,068 USD/KWh). So với mức giá điện bình quân hiện nay là 1.242 đồng/KWh, giá bán điện gió cao hơn khoảng 388 đồng/KWh.
 
Với những ưu đãi nói trên, phong điện không những là ngành công nghiệp thân thiện với môi trường mà còn giúp giải quyết bài toán về thiếu hụt năng lượng cho Việt Nam trong tương lai.

Tuy nhiên, theo ông Cường, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa có ý định đầu tư vào  lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam vì còn nhiều rủi ro. Muốn phát triển hơn nữa phong điện, ngoài các cơ chế ưu đãi, Chính phủ cần đưa giá điện dần tiệm cận giá thị trường thì mới có thể phát triển các dạng năng lượng tái tạo tương lai.

Hoàng Minh Sơn