Saturday, 23/11/2024 | 21:42 GMT+7

Nhật Bản tiết kiệm điện bằng chiến dịch "đi làm không cravat"

10/05/2012

Chiến dịch "đi làm không cravat" đã chính thức có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, đánh dấu một bước đi tuy nhỏ nhưng thiết thực nhằm tiết kiệm năng lượng

Chiến dịch "đi làm không cravat" đã chính thức có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, đánh dấu một bước đi tuy nhỏ nhưng thiết thực nhằm tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh sẽ không còn một nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động từ 6/5/2012.
23f9b35de_quang_cao_t2512.jpg
Poster quảng cáo cho chiến dịch công sở mát mẻ nhằm tiết kiệm điện tại Nhật Bản.

Theo chiến dịch "đi làm không thắt cravat", từ 1/5 đến 31/10/2012, mọi nhân viên và người lao động trong khắp cả nước có quyền đến nơi làm việc mà không cần thắt cravat, thậm chí không cần cả mặc áo complet nhằm tuân thủ lệnh cấm bật máy điều hòa không khí trong văn phòng ở mức dưới 280C.

Ngay cả Quốc hội Nhật Bản cũng tham gia chiến dịch này với quy định từ 1/6, các nhà lập pháp có thể đến Nghị viện làm việc trong trang phục áo phông hoặc áo sơ mi làm từ sợi thiên nhiên.

Trên thực tế, đây đã là năm thứ 7, Nhật Bản thực hiện sáng kiến "Super coolbiz" (tạm dịch là "công sở siêu mát"). Từ khi phát động đến nay, người dân Nhật Bản rất tự giác tham gia chiến dịch khi luôn cố gắng ăn mặc mát mẻ, đem theo quạt giấy... để giảm nhiệt. Trong khi các hãng thời trang đã tung ra nhiều sản phẩm như áo sơmi, áo phông, đồ lót có khả năng hút mồ hôi cao, chống dính vào da, tạo cảm giác thoáng mát cho mọi người.

Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng với các hãng sản xuất điều hòa lớn nhưng rất khắt khe trong việc bật điều hòa tại công sở. Theo quy định, chỉ trong những ngày nhiệt độ cao hơn 280C, công ty mới cho phép bật điều hòa và được mặc định ở mức 280C, không được điều chỉnh thấp hơn.

Theo tính toán, nếu tất cả các công sở đều để điều hòa ở mức 280C trở lên, sẽ giúp tiết kiệm được 306,18 triệu tấn dầu trong mùa hè. Ngoài ra, việc giảm điều hòa xuống 10C cũng giúp làm giảm từ 9 - 13 triệu tấn khí thải độc hại.

Một số cơ quan, tổ chức đưa ra sáng kiến kéo rèm để tận dụng ánh sáng, tiết kiệm năng lượng từ việc bật đèn. Đặc biệt, có công ty còn tranh thủ giờ nghỉ trưa khi nhân viên đi ăn ở ngoài hoặc ngủ nghỉ để tắt các thiết bị điện không cần thiết, thay đổi lịch làm việc ngày cuối tuần và cho nhân viên nghỉ ngày giữa tuần để hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng trong các ngày cao điểm.

Trong lịch sử, Nhật Bản đã nhiều lần phải áp dụng các biện pháp đặc biệt nghiêm khắc để tiết kiệm điện. Năm 1994, Thủ tướng Tsutomu Hata cũng đã phát động chiến dịch tiết kiệm điện, kéo dài trong 64 ngày, bằng cách kêu gọi các quan chức, các nhân viên văn phòng từ bỏ các bộ vest khô cứng và những chiếc cravat đầy hình thức để mặc các trang phục đơn giản khi đi làm.

Trước đó, năm 1979, sau cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ 2, Thủ tướng Masayoshi Ohira cũng đưa ra chương trình tiết kiệm năng lượng bằng cách kêu gọi người dân mặc thoáng hơn khi đến công sở.

Nhằm đối phó với căn bệnh "thiếu năng lượng" nghiêm trọng do toàn bộ 54 nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động lần đầu tiên trong vòng 4 thập niên qua, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch xây dựng một mô hình tăng trưởng mới để tái thiết đất nước, trong đó coi việc tiết kiệm năng lượng là ưu tiên hàng đầu.

Theo Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Nhật Bản sẽ phải phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với công nghệ xanh, sử dụng sức gió và pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi mô hình này đi vào hoạt động, Nhật Bản chắc chắn sẽ phải tăng cường nhập khẩu dầu để đảm bảo sản xuất. Những căng thẳng liên quan đến lệnh cấm xuất khẩu dầu của Iran đã đẩy giá dầu tăng tới 30% từ tháng 10/2011 tới nay, nên nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Nhật Bản có thể lên tới hơn 1 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 5 - 9/2012 sẽ khiến giá dầu thế giới tăng cao hơn nữa.

Theo EVNnews