Saturday, 23/11/2024 | 11:06 GMT+7

“Dựa” nhiều hơn vào các nguồn tái tạo

27/05/2012

Để giải “bài toán” về an ninh năng lượng và phát triển bền vững thì điện hạt nhân, điện mặt trời, điện gió… là những nguồn tái tạo có khả năng thay thế và cần phải “dựa” vào nhiều hơn trong tương lai

Để giải “bài toán” về an ninh năng lượng và phát triển bền vững, đặc biệt trong xu hướng các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt hiện nay, điện hạt nhân, điện mặt trời, điện gió… là những nguồn tái tạo có khả năng thay thế và cần phải “dựa” vào nhiều hơn trong tương lai - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Đỗ Hữu Hào đã chia sẻ như vậy tại Diễn đàn kinh tế năng lượng và phát triển bền vững tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang dần cạn kiệt, xu hướng chung của nhiều quốc gia là tập trung nhiều hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này tại Việt Nam?

3b148a038_duanhieuhonvaocacnguon.jpgViệt Nam vốn có nguồn năng lượng sơ cấp phong phú như nước (khai thác thủy điện), than đá (chủ yếu là than antraxit), dầu khí... Trong các nguồn này, hiện nay, thủy điện đã khai thác hết. Nhà máy thủy điện lớn cuối cùng là Lai Châu cũng đã được đưa vào xây dựng để chuẩn bị khai thác. Còn lại khoảng 4.300MW thủy điện nhỏ cũng đã khai thác hết khoảng 2.000MW, nhưng thủy điện nhỏ khi khai thác cũng mang đến những hậu quả về môi trường khó lường trước được.

Đối với nguồn dầu khí, Việt Nam không phải là nước có nguồn dầu lớn, lượng khí cũng hạn chế và chỉ đủ cung cấp cho một số nhà máy nhiệt điện khí. Nếu chúng ta không phát hiện thêm mỏ khí hoặc mỏ dầu mới nào nữa thì nguồn này của Việt Nam cũng sẽ cạn kiệt trong vòng 20 năm tới.

885f7d4b8_khuyenkhichphattrienngu.jpg
Các cột thu gió của nhà máy điện gió Tuy Phong - Bình Thuận

Riêng với nguồn than, nước ta có trữ lượng khoảng 3,3 tỷ tấn, nếu tính cả than của đồng bằng sông Hồng thì lên khoảng trên 200 tỷ tấn. Với trữ lượng này, cộng với điều kiện khai thác, theo tính toán, đến năm 2015 chúng ta đã phải bắt đầu nhập khẩu than để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nước. Cho nên, để đảm bảo an ninh năng lượng, việc cần thiết bây giờ là buộc Việt Nam phải nghĩ đến các nguồn năng lượng mới và tái tạo để thay thế như nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… Trong tất cả các nguồn này, hiện thực hơn cả là điện hạt nhân vì dù điện hạt nhân có giá thành xây dựng cao hơn so với các nguồn khác nhưng giá thành nguyên liệu ít thay đổi và chỉ chiếm 10% tổng giá thành chung. Cho nên nếu xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì chi phí ban đầu lớn nhưng quá trình khai thác sẽ giúp bù đắp được chi phí tài chính ban đầu này. Cho nên điện hạt nhân là một trong những giải pháp quan trọng nhất trước mắt nhằm tăng nguồn cung điện cho nước ta.

Bên cạnh nguồn điện hạt nhân, Việt Nam được đánh giá là khá giàu tiềm năng phong điện và điện mặt trời. Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng đầu tư cho điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam?

Riêng với điện mặt trời, Việt Nam có tiềm năng rất lớn vì có số giờ nắng và số ngày nắng trong năm rất nhiều. Tuy nhiên, điểm vướng mắc của nước ta là chưa có nhà máy sản xuất điện mặt trời vì giá thành rất lớn. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu chỉ dùng năng lượng mặt trời để đun nóng nước, thắp sáng đèn vào ban đêm ở những khu phố hoặc những dự án công suất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa. Cho nên trong 10-15 năm tới, có thể đây chưa phải là nguồn thay thế nhưng sẽ là nguồn thêm vào cho bài toán nguồn cung điện.

Về phong điện, Việt Nam cũng không phải có nguồn điện gió dồi dào và vô tận mà chỉ tập trung ở một số vùng duyên hải miền Trung và cao nguyên chứ các vùng khác không lớn. Cho nên có thể khẳng định điện gió phát triển rất khó, chưa kể giá điện gió sản xuất bình quân hiện nay là là 9 cent/kWh, nếu muốn có lợi nhuận thì phải bán khoảng 12-13 cent/kWh, mà giá điện nước ta hiện nay chỉ là 6 cent/kWh. Với cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, giá điện gió cũng chỉ vào khoảng 8 cent/kWh. Cho nên phải dùng cách là khi công nghệ thế giới phát triển, giá thành giảm bớt thì chúng ta từng bước áp dụng vào để nâng cao khả năng cung cấp điện.

Như vậy, theo ông, đâu là “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển điện từ các nguồn tái tạo nước ta hiện nay?


Theo tôi, điểm nghẽn lớn nhất trong vấn đề năng lượng hiện nay là giá năng lượng bởi giá năng lượng của chúng ta còn thấp. Ví dụ giá thành sản xuất điện từ các nguồn khác nhau tính trung bình là khoảng 5-6 cent/kWh (thủy điện là 2-3 cent/kWh, điện bằng dầu DO khoảng 12 cent/kWh, điện mặt trời là 9-10 cent/kWh…) nhưng giá điện bán ra hiện chỉ khoảng 5 cent/kWh nên các nhà đầu tư không hào hứng trong việc xây dựng các nhà máy sản xuất điện để bán điện vào Việt Nam.Chưa kể, nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam gây vỡ quy hoạch cũng bởi nguyên nhân là giá điện rẻ. Cho nên, càng sớm đưa giá điện vận hành theo thị trường càng tốt. Điện chính là đầu vào của rất nhiều các ngành sản xuất. Giá điện sẽ giúp DN đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng hơn, từ đó góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng nếu tăng giá điện, giá thành một loạt các sản phẩm khác cũng sẽ tăng theo. Do đó, tăng giá điện lúc nào và bao nhiêu cần phải được cân nhắc thật kỹ để vừa đảm bảo đủ nguồn cung điện, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đối Ngoại