Monday, 20/05/2024 | 08:30 GMT+7

Xăng E5: An toàn cho phương tiện, thân thiện với môi trường

01/10/2013

Sau 6 năm triển khai Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, nhiều dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) đã đi vào hoạt động

Sau 6 năm triển khai Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, nhiều dự án sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) đã đi vào hoạt động, sản phẩm nhiên liệu sạch đầu tiên-xăng E5 đã có mặt tại thị trường nhưng chưa được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
e702d77b4_nha_may_nlsh_mien_trung_78512.jpg
Nhà máy nhiên liệu sinh học của PVN tại miền Trung

Để sản phẩm “ năng lượng xanh” này đi vào cuộc sống, rất cần những chính sách, chiến lược dài hạn.

Nguồn cung ứng đã sẵn sàng

Tính đến tháng 12/2012, cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất NLSH đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt khoảng 535 triệu lít ethanol/năm và đều dùng nguyên liệu sắn lát khô để sản xuất. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang dẫn đầu với 3 nhà máy sản xuất ethanol, dự kiến đến năm 2014-2015 khi cả 3 nhà máy đi vào hoạt động ổn định với 100% công suất, sẽ cung cấp ra thị trường mỗi năm 300.000 m3 ethanol nhiên liệu, đủ để pha được 6 triệu m3 xăng E5 (tương đương với 94% nhu cầu tiêu thụ xăng của cả nước năm 2014).

Nếu tính thêm các nhà máy khác ngoài PVN, nguồn cung ethanol nhiên liệu trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ 100% nhu cầu thị trường khi Chính phủ bắt buộc pha ethanol vào xăng trên toàn quốc. Hiện ethanol nhiên liệu chủ yếu phục vụ cho việc pha chế xăng sinh học E5, E10... và chưa được sử dụng cho mục đích nào khác. Trong khi cả nước đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV OIL, Petec, Sài Gòn Petrol tại 34 tỉnh thành, thành phố lớn đã bán xăng E5, tuy nhiên xăng sinh học vẫn được xem là mới mẻ tại Việt Nam, nên việc tiêu thụ ethanol nhiên liệu trong nước vẫn còn hạn chế.

An toàn cho phương tiện , thân thiện với môi trường

Với các lợi ích như: Đảm bảo an ninh năng lượng, lượng thực cho mỗi quốc gia, giảm lượng phát thải khí độc hại vào môi trường, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân… nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng năng lượng sinh học theo hướng bền vững.

Chỉ tính riêng Braxin- quốc gia đang đứng thứ 2 thế giới về sản xuất ethanol (từ mía đường) với sản lượng gần 2,5 tỷ lít/năm thì từ những năm 80 của thế kỷ 20 các phương tiện giao thông của quốc gia này đã sử dụng nhiên liệu sinh học và hiện nay có khoảng hơn 80% phương tiện vận tải sử dụng nhiên liệu này nhờ áp dụng chính sách bắt buộc pha trộn nhiên liệu sinh học vào nhiên liệu truyền thống và các chỉ tiêu vể tỷ lệ năng lượng tái tạo trong nền kinh tế.

Trong khi đó, tại châu Á, Philippines được coi là quốc gia tiên phong trong việc thực hiện Chương trình nhiên liệu sinh học thông qua ban hành Luật sử dụng nhiên liệu sinh học tái tạo vào năm 2006. Theo đó, toàn bộ các sản phẩm nhiên liệu tiêu thụ nội địa phải pha trộn nhiên liệu sinh học 2% Bio- diesel và 10% Bio- ethanol vào tháng 2/2012…

Đánh giá cao những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và môi trường, ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, nhấn mạnh: Vệc phát triển nhiên liệu sinh học sẽ tạo thị trường tiêu thụ cho nông sản, tạo công ăn việc làm, góp phần giảm di dân về các đô thị. Đặc biệt, nhiên liệu sinh học đang được sử dụng rộng rãi ở hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã chứng minh hỗn hợp xăng pha ethanol có thể sử dụng tốt cho các loại xe máy, ôtô mà không cần thay đổi kết cấu động cơ.

Còn theo PGS TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Năm 2011-2012 chúng tôi đã triển khai đề tài “Nghiên cứu khả năng tương thích của động cơ nổ thế hệ cũ sử dụng xăng sinh học có tỷ lệ ethanol E10 lớn hơn 5%. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có thể sử dụng E10 trên động cơ ôtô, xe máy đang lưu hành mà không cần thiết phải điều chỉnh kết cấu. Đặc biệt góc đánh lửa sớm giúp giảm đáng kể phát thải CO và HC. Vật liệu của các chi tiết trong hệ thống cung cấp nhiên liệu tương thích với xăng E10”.

PGS TS Lê Anh Tuấn cũng cho biết thêm, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm trong quá trình vận hành có thể sử dụng lẫn xăng E10 và RON 92 thông thường mà không gây ảnh hưởng tới tính năng của phương tiện.

b480f08a6_comeco2_43648.jpg

Sử dụng xăng sinh học E5 vì một hành tinh xanh

Cần giải pháp đồng bộ

Là đơn vị chủ lực thực hiện Đề án 177, với 3 nhà máy sản xuất NLSH được đầu tư và khi đi vào hoạt động PVN cần khoảng 1,8 triệu tấn sắn tươi tương đương với 750 ngàn tấn sắn lát khô mỗi năm. Do giá sắn chiếm từ 60-65% giá thành sản phẩm ethanol nên nhiệm vụ đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, PVN đã lập quy hoạch 13.000ha trồng sắn tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa, Yên Bái, tỉnh Bolykhawmxay (Lào)… và đã khuyến khích phát triển được 4.000ha trồng sắn tại vùng quy hoạch trong năm 2011.

Còn tại miền Trung và miền Nam, nhà máy NLSH Dung Quất, Quảng Ngãi vận hành quý III/2013, đã lập quy hoạch và đầu tư trồng 16.7000 ha sắn tại địa phương, có thể đáp ứng 50-60% nguyên liệu. Bên cạnh đó, PVN đã xây dựng và đưa vào hoạt động 100 trạm pha chế theo mẻ, 280 trạm pha chế inline tại Hải Phòng, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Sản xuất và tiêu thụ năm 2012 của các nhà máy đạt 21.778 m3, bán trong nước 2,226 m3, xuất khẩu 11.503 m3, tồn kho 7.610 m3.

Những khó khăn về thị trường tiêu thụ trong nước chưa được giải quyết thì doanh nghiệp đầu tư lại gặp khó khăn liên quan đến thoái vốn của đối tác, nguồn nguyên liệu chưa ổn định nên phải cạnh tranh gay gắt với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất tinh bột và xuất khẩu. Bên cạnh đó lại thiếu cơ chế hỗ trợ từ nhà nước trong các khâu như: Quy hoạch, chính sách hỗ trợ nông dân; phương thức thu mua còn nhiều bất cập, chi phí đầu tư hệ thống kho, phân phối, quảng bá sản phẩm lớn và chưa đồng bộ…

Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp để ổn định nguồn cung và phân phối, PVN cũng kiến nghị Chính phủ cho áp dụng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích bổ sung như: Hỗ trợ phát triển trồng sắn nguyên liệu, quy hoạch đủ quỹ đất còn trống gần với 3 nhà máy. Nghiên cứu các loại giống sắn mới chất lượng tốt, kỹ thuật canh tác hiện đại và chuyển giao cho nông dân áp dụng.

Có cơ chế cấp vốn tín dụng ưu đãi thuộc chương trình hỗ trợ tín dụng cho nông dân/doanh nghiệp tham gia trồng sắn nguyên liệu. Miễn thuế nhập khẩu thiết bị, vật tư phục vụ tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH trong nước chưa sản xuất được. Miễn thuế môi trường đối với xăng pha cồn E5 vì đây là sản phẩm thân thiện với môi trường…

Nhìn lại kinh nghiệm để người dân tuân thủ tốt việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì chính sách “bắt buộc người dân đội mũ bảo hiểm” của Chính phủ chính là công cụ quan trọng để một chủ trương đúng nhanh chóng được thực hiện. Từ bài học kinh nghiệm đó, để sản phẩm nhiên liệu xanh, sạch - xăng E5 có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống, rất cần chính sách đồng bộ của nhà nước và sự vào cuộc toàn xã hội và của các bộ, ngành, địa phương.


Theo Báo Công Thương

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện