Thông tin chưa được phía Samsung xác nhận, song theo một báo cáo về tình hình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và Hàn Quốc, do ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký, thì tập đoàn này đã chọn đầu tư xây dựng Nhiệt điện Vũng Áng 3.
“Phó tổng giám đốc phụ trách điện của Samsung đã đề nghị tỉnh hỗ trợ Tập đoàn sớm triển khai Dự án”, báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
“Chúng tôi hoan nghênh Tập đoàn Samsung đã có lựa chọn chính xác. Hà Tĩnh sẵn sàng đồng hành để cùng Tập đoàn thực hiện thành công Dự án”, ông Vũ Kim Cự bày tỏ quan điểm, đồng thời đề nghị Samsung tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án khác, như công nghệ thông tin, hóa chất, đóng mới tàu thủy, xây dựng khu đô thị…, tạo thành tổ hợp các dự án của Samsung tại Khu kinh tế Vũng Áng để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí hạ tầng.
Như vậy, sau một thời gian khảo sát hàng loạt dự án, như Nhiệt điện Quỳnh Lập 2 (Nghệ An), Quảng Trạch 2 (Quảng Bình), sông Hậu 3 (Hậu Giang), điện Kiên Lương (Kiên Giang)..., Samsung đã quyết định đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3. Theo Quy hoạch điện VII, Dự án có quy mô 4 tổ máy, với công suất 2.400 MW. Tuy nhiên, dự án này đã từng được đề nghị tách đôi, chia nhỏ quy mô để dễ lựa chọn nhà đầu tư, cũng như dễ triển khai.
Còn một hành trình dài từ việc ra quyết định đầu tư chính thức, tới việc Chính phủ cho phép, rồi đàm phán các hợp đồng và triển khai dự án… Tuy nhiên, việc Samsung, như thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh, quyết định đầu tư Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 đã tiếp tục làm “nóng” thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ vào lĩnh vực này.
Mới đây, Tổ hợp các nhà đầu tư, gồm Công ty Lưới điện Phương Nam Trung Quốc (CSG - 55% vốn), Công ty Điện lực quốc tế Trung Quốc (CPIH - 40%) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - 5%) đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai Dự án Nhiệt điện than BOT Vĩnh Tân 1, với tổng vốn đầu tư 2,018 tỷ USD. Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nằm trong quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại tỉnh Bình Thuận.
Đầu tháng 8/2013, Toyo Ink Group Berhad (Malaysia) đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Năng lượng để triển khai Dự án BOT Nhiệt điện sông Hậu 2, vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Tập đoàn Semcorp (Singapore) vẫn đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch xây dựng nhà máy điện ở Dung Quất (Quảng Ngãi), 2 tỷ USD. Trung tuần tháng 9 rồi, Công ty Sembcorp (Singapore) và đại diện Bộ Công thương đã ký kết biên bản ghi nhớ phát triển dự án có công suất 1.200 MW này.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Nghi Sơn (Thanh Hóa) mới đây, thỏa thuận đầu tư Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, công suất 1.200 MW, do liên doanh Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đầu tư, với tổng vốn 2,3 tỷ USD, cũng đã được ký kết. Theo dự kiến, thủ tục đầu tư đối với dự án này có thể sẽ hoàn thành trong năm tới.
Bên cạnh các dự án mới này, có thể nhắc tới một loạt dự án điện đã và đang được nhà đầu tư nước ngoài triển khai, như BOT Nhiệt điện Hải Dương (Jarks - Malaysia), Nhiệt điện Mông Dương 2 (AES - Mỹ), Posco Energy - Hàn Quốc) và CIC - Trung Quốc)…
Liên doanh nhà đầu tư Sumitomo và Honoinco cũng đang theo đuổi Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1. Tata Power (Ấn Độ) đang với tay tới Nhiệt điện Long Phú 2 (Sóc Trăng). Các dự án này đều có quy mô trên 2 tỷ USD.
Sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đã cho thấy sức hấp dẫn của thị trường điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, còn khá nhiều cản trở liên quan đến việc đưa các kế hoạch đầu tư này trở thành hiện thực, như quá trình đàm phán hợp đồng BOT, hợp đồng bán điện… thường kéo dài.
Theo Báo Đầu tư