Saturday, 23/11/2024 | 02:22 GMT+7

Cuối năm 2014 sẽ triển khai dự án hạ tầng điện hạt nhân

10/02/2014

"Theo IAEA, VN làm điện nguyên tử cần phải chặt chẽ, hiệu quả (...). Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất thì có thể thời gian khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ lùi lại 2020.

"Theo IAEA, VN làm điện nguyên tử cần phải chặt chẽ, hiệu quả (...). Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất thì có thể thời gian khởi công điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ lùi lại 2020. Lúc đó luật lệ đầy đủ (...). Vì chúng ta làm phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt cái đó chúng ta không làm".

d2c559703_t.jpg

Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại lễ tổng kết của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) ngày 15-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có thể đến năm 2020 mới khởi công. Như vậy, nếu không có nguồn bù đắp như Thủ tướng chỉ đạo, rất có thể VN sẽ hụt tới 4.000MW công suất điện sau năm 2020.

Chưa thẩm định, chưa phê duyệt, chưa chọn công nghệ

Trả lời về khả năng hoãn khởi công dự án, ông Lê Tuấn Phong, tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), cho biết: “Để đảm bảo an toàn cũng như khai thác hiệu quả khi nhà máy điện nguyên tử đi vào hoạt động, Bộ Công thương đang xem xét trình Chính phủ việc lùi thời gian khởi công dự án. Còn đến thời điểm này, chưa có văn bản chính thức nào phê duyệt việc chậm khởi công dự án nhà máy điện nguyên tử. Mọi công việc vẫn đang triển khai theo đúng đề án. Cụ thể, việc chuẩn bị xây dựng dự án như di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, đường điện... vẫn tiến hành bình thường. Năm 2017 sẽ khởi công nhà máy. Và năm 2020, tổ máy phát điện đầu tiên của nhà máy điện nguyên tử được đưa vào vận hành”.

Còn ông Nguyễn Cường Lâm, Phó tổng giám đốc EVN - Giám đốc Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, nói bản thân ông chưa nghe trực tiếp quyết định hoãn khởi công đến năm 2020. Tuy nhiên, thực tế nếu như trước đây VN dự kiến năm 2020 đưa tổ máy số 1 điện hạt nhân vào vận hành thì trong quyết định ngày 11-12-2013, danh mục các dự án điện sẽ vận hành năm 2020, quyết định của Thủ tướng không còn nêu điện hạt nhân nữa.

Ông Lâm cho biết trong dịp tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thăm VN, ông có làm việc với phía IAEA hai ngày tại Ninh Thuận, không hề nghe thấy ý kiến nào cho rằng VN chưa đảm bảo an toàn, mà họ chỉ khuyến cáo VN làm theo trình tự, thận trọng. Mặc dù không nêu trực tiếp lý do hoãn thi công, nhưng ông Nguyễn Cường Lâm tiết lộ trước đây việc lập dự án, bên tư vấn là doanh nghiệp VN, chưa từng làm nhà máy điện hạt nhân. “Họ cứ nghĩ làm điện hạt nhân như các nhiệt điện khác, nhưng thực tế không phải vậy”... Còn việc có phải tư vấn đưa ra những lộ trình khó khả thi, ông Lâm cho rằng lần đầu tiên làm, không ai tính vào tiến độ nhiều vấn đề, như đàm phán hiệp định của Chính phủ... Và khi thông qua chủ trương đầu tư, ta mới dựa trên các con số sơ bộ.

Theo ông Lâm, VN đang triển khai thận trọng, đặt an toàn lên hàng đầu. Còn lại, không nên quan tâm nhiều năm nào, hay năm 2020 khởi công... Ông Lâm cũng cho biết điện hạt nhân là quyết định chính trị, EVN làm chủ đầu tư nhưng là nhiệm vụ Nhà nước giao. Còn thực tế năm 2014 có đủ điều kiện khởi công không, ông Lâm tiết lộ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện “chưa thẩm định, chưa phê duyệt, chưa chọn được công nghệ...”.

Phải trình Quốc hội

Theo thông tin từ Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, năm 2009 Quốc hội đã ban hành nghị quyết quyết định dự kiến lộ trình triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: “Khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020”.

Đến tháng 10-2012, Chính phủ có báo cáo nêu dự kiến tháng 3-2013 sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013) Chính phủ lại báo cáo sẽ hoàn thành lập hồ sơ phê duyệt địa điểm xây dựng vào tháng 12-2013 và không đề cập đến việc khởi công nhà máy vào năm 2014.

Về phía Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường qua công tác thẩm tra đã khẳng định: “Đến năm 2014 sẽ chỉ có thể khởi công các công trình hạ tầng phục vụ thi công như đường giao thông, điện, nước. Và mẻ bêtông đầu tiên cho tâm lò phản ứng chỉ được đổ sớm nhất vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 khi thiết kế kỹ thuật được duyệt và có giấy phép xây dựng”.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội - người đã chất vấn Thủ tướng về tiến độ của dự án, nói Thủ tướng đã ủy quyền cho bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn của ông. Theo đó, nguyên nhân chậm tiến độ được giải thích là do những vấn đề phát sinh trong việc nghiên cứu lựa chọn địa điểm đã làm kéo dài thời gian lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư khoảng hai năm so với dự kiến ban đầu. Trong thời gian lập dự án đầu tư, sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, Chính phủ đã yêu cầu rà soát để bổ sung các giải pháp đảm bảo an toàn chống động đất, sóng thần cho dự án. Địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy cũng được nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo yêu cầu về an toàn khi xảy ra động đất, sóng thần... Đến thời điểm cuối năm 2013, Bộ Công thương chưa đánh giá được chính xác chi phí tăng thêm cũng như hiệu quả kinh tế, do việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư chưa hoàn thành.

“Khi Chính phủ chính thức muốn xin lùi thời điểm khởi công dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 thì phải trình Quốc hội, vì đây là nội dung được nêu trong nghị quyết của Quốc hội” - ông Hùng nói.

Cuối năm 2014 sẽ triển khai dự án hạ tầng

Trước đó chiều 10-1, trao đổi về công tác di dời dân để làm các nhà máy điện hạt nhân, ông Đỗ Hữu Nghị - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - nói: “Hiện nay hai nhà máy điện hạt nhân đều chưa có vị trí xây dựng cụ thể nên việc di dân chưa có chuyển động gì, tỉnh chủ yếu làm công tác chuẩn bị là đo đạc trong phạm vi có thể dự án sẽ xây dựng”. Ông Nghị cũng cho biết Thủ tướng đã phê duyệt cơ chế đặc thù trong đền bù giải tỏa, tái định cư cho hai nhà máy điện hạt nhân để người dân phải di dời cho dự án có cuộc sống ổn định, đảm bảo nghề nghiệp và được quan tâm hơn.

Còn theo ông Nguyễn Cường Lâm, cuối năm 2014 sẽ triển khai dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án nhà máy điện tại Ninh Thuận như đường công vụ, hệ thống cấp điện, nước và các công trình phụ trợ. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành bồi thường và di dân về các khu tái định cư.
 
Theo Tuổi trẻ