Saturday, 23/11/2024 | 06:05 GMT+7
Sáng
21-8, Hội thảo “Tiết kiệm
năng lượng - Những vấn đề cấp bách” đã ghi nhận tham luận của đại diện 3 ngành
công nghiệp lớn trong cả nước là điện, than và thép về vấn đề tiết kiệm năng lượng.
Đây là Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp Hiệp hội năng lượng Việt Nam và Tập
đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức.
Tại hội nghị, các Tập đoàn, Tổng công ty đã thẳng thắn chia sẻ thực tế sử dụng năng lượng, các khó khăn trong sản xuất và kinh doanh năng lượng. Cùng với đó, các "ông lớn" cùng đồng lòng trong chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tiết kiệm điện vẫn còn nhiều khó khăn
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng
Giám đốc EVN cho biết từ năm 2011 đến năm 2013, cả nước tiết kiệm được trung
bình 1,9 tỷ kWh điện mỗi năm. Có được kết quả trên là nhờ tập đoàn đã tích cực
triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu
quả.
Được biết, mỗi năm EVN đầu tư 180 tỷ cho đồng cho các hoạt động này. Kết quả mà hoạt động này mang lại trong giai đoạn từ 2011-2014 là hơn 450 tỷ đồng. Trong đó, tập đoàn là đơn vị trực thuộc triển khai, góp phần hoàn thành Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. EVN đã việc tham gia vào nhiều chương trình gây được tiếng vang như “Giờ trái đất”, “Quảng bá nước nóng bằng năng lượng mặt trời”…
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc EVN
Mặc dù vậy, tập đoàn cũng gặp không ít
khó khăn và thách thức trong việc triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, khó khăn đầu tiên đó là nhận thức của một bộ phận người
dân và doanh nghiệp về chủ trương sử dụng năng
lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế.
Những ngành tiêu thụ nhiều điện năng như xi măng, hóa chất, sắt
thép hoặc việc nuôi tôm, trồng thanh long của người dân liên tục tăng nhanh, đột
biến, vượt quá quy hoạch của ngành. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra và giám sát
những vi phạm về thực thị theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
chưa được tiến hành thường xuyên, chưa đủ mức răn đe. Cùng với đó là công tác
quản lý thị trường các loại hàng hóa, thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm năng
lượng chưa được tiến hành thường xuyên, dẫn tới có nhiều mặt hàng có chất lượng
kém, hàng giả, hàng nhái.
Ngoài ra, nguồn vốn để đầu tư cho các giải pháp TKNL còn hạn chế, giá
điện vẫn còn thấp, chưa khuyến khích người dùng sử dụng tiết kiệm cũng là những
khó khăn mà ngành điện đang phải đối mặt.
Ông Nguyễn Tấn Lộc cũng đưa ra những kiến nghị với Chính phủ trong
việc tiếp tục chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất và
tiêu dùng, thực hiên theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chính
phủ cũng nên chỉ đạo các ngân hàng linh hoạt trong cơ chế vay vốn và thủ tục
cho các doanh nghiệp muốn đầu tư dây chuyền sản xuất, thiết bị máy móc có hiệu
suất cao và tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ người
dân và các doanh nghiệp chuyển đổi sang các thiết bị có hiệu suất cao; khuyến
khích và tạo điều kiên cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ năng lượng
hoặc phát triển các dạng năng lượng tái tạo.
Đối với Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính, EVN kiến nghị hai Bộ này sớm
ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn cơ chế tài chính cho các hoạt động sử dụng
năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cường độ tiêu thụ năng
lượng của ngành thép còn cao
Thép là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng tại Việt Nam,
khi chiếm đến 6% tổng năng lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp với khoảng 3,5
tỷ kWh điện mỗi năm. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trịnh Văn Hoàn, Phòng Quản lý
Năng lượng, Tổng Công ty thép Việt Nam cho biết, ngành đã nhận được hỗ trợ từ
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, ngành cũng nhận được những ưu đãi về thuế nhập khẩu, mặt bằng xây dựng,
vay tài chính và kinh phí cho công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và thiết
bị.
Ông Trịnh Văn Hoàn, Phòng Quản lý Năng lượng, Tổng Công ty thép Việt Nam
Tuy nhiên, cường độ tiêu thụ năng lượng của ngành thép ở nước ta
luôn cao hơn các nước trong khu vực và Châu Âu. Cá biệt như cường độ năng lượng
tiêu thụ trong luyện gang ở Việt Nam cao gấp gần 3 lần so với Châu Âu.
Ngành thép đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng
tiêu thụ vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu này, ngành thép đang học hỏi kinh
nghiệm từ việc quản lý năng lượng trên thế giới. Trong đó, nhiều doanh nghiệp
thép đang xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.
Trong những năm tới, ngành thép cũng đang từng bước tiến hành việc
xây dựng các khu liên hiệp gang thép, các nhà máy luyện, cán thép có quy mô đủ
lớn, có khả năng tự sản xuất điện và phục vụ nhu cầu của riêng mình.
Có nguy cơ nhập khẩu
than nếu không tiết kiệm
Ông Kiều Kim Trúc, Phó ban Công nghệ, tập đoàn Công nghiệp Than-
Khoáng sản Việt Nam trình bày tham luận tại Hôi thảo cho biết, nhu cầu than cho ngành điện hiện nay đang là 67,3
triệu tấn. Dự kiến, nhu cầu này sẽ tăng lên mức 171 triệu tấn vào năm 2030.
Ông Kiều Kim Trúc, Phó ban Công nghệ, tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam
Tuy nhiên, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện chỉ đạt mức từ 28-32%, thấp hơn 10% so với thế giới. Nếu không đảm bảo được kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn
tài nguyên than, Việt Nam có thể trở thành nước nhập khẩu than trước năm
2020.
Hiện, Việt Nam đang áp dụng 2 phương pháp khai thác than chính là lộ
thiện và hầm lò. Sắp tới, để khai thác than một cách hiệu quả hơn, Tập đoàn
Than và khoáng sản Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn trong công tác
thăm dò đánh giá tài nguyên và trữ lượng than theo xu hướng phù hợp với các
tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, ứng dụng các mô hình khoa học, các công
nghệ trong khai thác và chế biến than, sao cho đảm bảo an toàn, nâng cao năng
suất và hạ giá thành.
Mai Lan