Friday, 15/11/2024 | 17:51 GMT+7
Sáng 26-9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đổi mới giáo trình giảng dạy hướng đến công trình xanh và biến đổi khí hậu”. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Tuần lễ Kiến trúc xanh thế giới 2014. Hội thảo do Viện kiến trúc Nhiệt đới, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Dự án Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng của tổ chức USAID, Mỹ tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về
xây dựng các công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu
quả giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhằm hướng đến việc giảm thiểu
biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Vương Ngọc Lưu, Hiệu trưởng
trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết, Bộ Xây Dựng nhận định, các công trình
xanh có thể giúp tiết kiệm từ 20-30% năng lượng. Do
đó, vai trò của các công trình này rất quan trọng trong việc giảm thiểu năng lượng,
giảm hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.
PGS. TS Vương Ngọc Lưu, Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Ông Joseph Deringer, chuyên gia đến từ USAID cũng chia sẻ,
trong thời gian sắp tới, tổ chức này sẽ triển khai nhiều hoạt động tập huấn mô
phỏng mô hình năng lượng công trình cho các nhóm học viên. Ngoài ra, những nhóm
giảng viên nguồn về kiến trúc xanh cũng được USAID hỗ trợ đào tạo trực tiếp và tập
huấn gián tiếp thông qua cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
USAID là đơn vị tài trợ Dự án Năng lượng sạch Việt Nam - Nâng
cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng- Hỗ trợ xây dựng và thực
hiện Kế hoạch Hành động Chiến lược Tăng trưởng Xanh cho ngành xây dựng Việt
Nam.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều kiến trúc sư, chuyên gia đến từ nước ngoài
Dự án nhằm giảm tiêu thụ điện năng và các nguồn năng lượng
khác trong các công trình xây dựng trên cả nước bằng cách hỗ trợ triển khai Quy
chuẩn kỹ thuật Quốc gia về “Các công trình xây dựng và sử dụng năng lượng hiệu
quả”; thúc đẩy phát triển công trình xanh; xúc tiến các công trình sử dụng năng
lượng hiệu quả cao hơn so với các yêu cầu theo quy chuẩn.
Hội thảo cũng ghi nhận những chia
sẻ của vị kiến trúc sư nổi tiếng người Malaysia- Chuyên gia hàng đầu về các
công trình xanh cao tầng, ông Ken Yang về kinh nghiệm thiết kế những công trình
tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Theo ông, các kiến trúc sư cần biết
cách tận dụng tối đa những nguồn năng lượng có sẵn trong tự nhiên, giúp giảm
thiểu năng lượng tiêu thụ tại các tòa nhà.
Kiến trúc sư Ken Yang chia sẻ kinh nghiệm về những công trình tiết kiệm năng lượng
Ông Ken Yang cũng khẳng định, chi
phí xây dựng những công trình này không hề tốn kém như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Nguồn năng lượng mà công trình này tiết kiệm được sẽ giảm một khoản chi phí đáng
kể cho tòa nhà. Lâu dài, nó có thể được coi như một khoản lợi nhuận.
Ngoài ra, Hội thảo cũng ghi nhận
nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các kiến trúc sư, các giảng viên đến từ trường
Đại học trong nước như ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Xây Dựng, ĐH Xây dựng Miền Trung…
và các trường Đại học nước ngoài như ĐH Hamburg (Đức) và ĐH Delft (Hà Lan) về
việc đổi mới chương trình đào tạo kiến trúc theo hướng phát triển bền vững tại
Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội thảo cũng diễn
ra Lễ trao giải Kiến trúc xanh sinh viên 2014. Đây là giải thưởng dành cho những
đồ án xuất sắc của sinh viên Khoa Kiến trúc, giúp công trình tiết kiệm năng lượng
và thân thiện với môi trường.
Thanh Xuân