Friday, 15/11/2024 | 15:40 GMT+7

Lập bản đồ tài nguyên năng lượng tái tạo để phát triển nguồn điện

15/12/2014

Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác phát triển Đức, tiến hành đo gió, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng điện sinh khối, thủy điện và năng lượng mặt trời tiến tới định hướng phát triển nguồn năng lượng xanh.

Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác phát triển Đức... để tiến hành đo gió, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng điện sinh khối, thủy điện và năng lượng mặt trời qua đó lập Bản đồ tài nguyên năng lượng phục vụ cho việc quy hoạch, đánh giá tiềm năng cũng như định hướng phát triển nguồn năng lượng xanh.

Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức hợp tác phát triển Đức... để tiến hành đo gió, đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng điện sinh khối, thủy điện và năng lượng mặt trời qua đó lập Bản đồ tài nguyên năng lượng phục vụ cho việc quy hoạch, đánh giá tiềm năng cũng như định hướng phát triển nguồn năng lượng xanh.

Thông tin trên được ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo "Năng lượng gió 2014" do Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Công ty năng lượng toàn cầu - Vestas, tổ chức sáng 8/12 tại Hà Nội.
1771cba2c_vnp_nlggio.jpg
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, John Nielse phát biểu tại Hội thảo năng lượng gió

Ông Lê Tuấn Phong cho biết, trước tình trạng các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu thô... đang ngày càng cạn kiệt, thị trường năng lượng của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới.

Trong bối cảnh đó, việc đầu tư và phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng gió là hướng đi phù hợp nhằm tạo ra nguồn điện bổ sung cho nhu cầu tiêu dùng điện năng của đất nước, qua đó đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam. Theo quyết định này, tổng công suất nguồn điện gió sẽ đạt 1.000 MW vào năm 2020 (chiếm 0,7%) và nâng lên 6.200 MW vào năm 2030 (chiếm 2,4% trong cơ cấu sản xuất điện của cả nước). 

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Năng lượng, sau một thời gian triển khai thì chỉ có một số dự án đi vào hoạt động, nguyên nhân là do vướng nhiều rào cản như: khả năng về công nghệ và đặc biệt là chi phí đầu tư cao dẫn tới giá bán điện còn trội hơn nhiều so với các nguồn năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện...

Nghiên cứu tại 1 số dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy, chi phí xây dựng trung bình là 2 triệu USD cho 1 MW điện gió và chi phí vận hành hàng năm là 35.000 USD cho 1 MW điện gió, đây là mức rất cao so với khả năng hoàn vốn của nhà đầu tư.

Trước thực tế trên, tại buổi hội thảo, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, John Nielse cho biết, với kinh nghiệm nhiều năm trong phát triển năng lượng gió, Đan Mạch có thể chia sẻ các giải pháp về công nghệ và tài chính giúp Việt Nam phát triển nguồn năng lượng sạch phục vụ cho nhu cầu về năng lượng.

Đại sứ John Nielse cũng cho biết, cùng với Đại sứ quán Đan Mạch, công ty năng lượng toàn cầu (Vestas) thông qua Chương trình Điện gió Việt Nam 2014 sẽ đưa ra những đánh giá của mình về cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường điện gió ở Việt Nam cũng như những cam kết và giải pháp hỗ trợ cụ thể đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan trong lĩnh vực điện gió.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (ngày 8 tại Hà Nội và ngày 9/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm chia sẻ những giải pháp của Đan Mạch cũng như sự quan tâm và hỗ trợ cụ thể của nước này trong lĩnh vực điện gió ở Việt Nam.

Theo Vietnamplus