Saturday, 23/11/2024 | 08:11 GMT+7
Nâng cao chất lượng điện năng
Từ năm 2014, Tổng công ty điện lực Miền Nam (EVN SPC) đã triển khai xây dựng công trình dự án nâng cao hiệu quả khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Long. Xác định đây là dự án có ý nghĩa to lớn, nên EVN SPC đã khẩn trương triển khai thực hiện, và đóng điện dự án vào trước ngày 30-6-2015, tổ chức khánh thành vào ngày 31-7-2015, đạt các tiêu chí an toàn, tiến độ và chất lượng.
Theo ông Nguyễn Phước Năng, Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Long, dự án trải dài trên địa bàn 8 huyện, thị của tỉnh; cụ thể qua 9 phường, 81 xã và 4 thị trấn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 124 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn dư thuộc dự án “Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn” vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức, do EVN SPC làm chủ đầu tư.
Thành phần dự án bao gồm đầu tư xây dựng mới và cải tạo hơn 156 km đường dây trung áp và hơn 246 km đường dây hạ thế, xây dựng mới 128 trạm biến áp với tổng dung lượng hơn 4.900 kVA và lắp đặt 2.862 công tơ hộ dân.
Trong quá trình triển khai dự án, Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công chuẩn bị tốt phương tiện, nhân lực để triển khai thi công ngay sau khi phát lệnh khởi công công trình. Trong quá trình thi công, đơn vị đã tổ chức phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị và các đơn vị liên quan khác để kịp thời giải quyết các vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng các hạng mục công trình, đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và thiết bị.
Cũng theo ông Nguyễn Phước Năng, trước khi dự án được triển khai, lưới điện nông thôn tỉnh Vĩnh Long hầu hết vận hành trên 20 năm, chủ yếu từ các công trình điện khí hóa nông thôn (khoảng năm 1993 – 1997) và đặc biệt là các công trình tiếp nhận chỉ được sửa chữa, cải tạo tối thiểu.
Hàng năm, Công ty Điện lực Vĩnh Long đều thực hiện các công tác cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng và sửa chữa thường xuyên; tuy nhiên do nguồn phân bổ các nguồn vốn này có giới hạn, vì vậy lưới điện nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết gây bất lợi trong vận hành cũng như cung cấp điện như: tổn thất điện năng cao, không đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn nhiều sự cố làm gián đoạn cung cấp điện… Mặt khác, vẫn còn một số khu vực chưa có điện lưới dẫn đến tình trạng câu đuôi gây mất an toàn và giá điện không hợp lý.
Bên cạnh những thuận lợi từ khi triển khai dự án đến hoàn thành, vẫn còn nhiều khó khăn, như dự án có tổng mức đầu tư và khối lượng thực hiện lớn, địa bàn thi công trải dài trên khắp tỉnh Vĩnh Long, bao gồm các hạng mục nhỏ lẻ là trở ngại không nhỏ trong quá trình thực hiện; tiến độ thi công cấp bách; nhiều trở ngại từ người dân địa phương gây ảnh hưởng đến tiến độ như: người dân không cho dựng trụ, kéo dây, phát quang hành lang lộ giới…
Phát triển kinh tế địa phương
Theo ông Phạm Ngọc Lễ, Phó Tổng giám đốc EVN SPC, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN SPC đã triển khai đầu tư nhiều dự án để cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo. Các dự án lưới điện đã mang lại những hiệu quả rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho người dân các tỉnh thành phía Nam.
Điển hình như công trình dự án thành phần “Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Vĩnh Long” được đầu tư triển khai thi công và hoàn thành đúng tiến độ đã góp phần rất lớn trong công tác cung cấp điện cho các sự kiện chính trị, đặc biệt cấp điện phục vụ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn Quốc lần thứ XII của Đảng.
Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã cải thiện được chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng, tăng cường khả năng cung cấp điện an toàn, ổn định, nâng cao độ tin cậy lưới điện phân phối cho toàn khu vực, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho nhân dân vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long.
Trong suốt quá trình thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền các cấp tại địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương để phổ biến tuyên truyền trong nhân dân về lợi ích thiết thực mang lại từ công trình để nhân dân thông hiểu và tạo điều kiện thuận lợi cho thi công hoàn thành công trình. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát trong từng giai đoạn thực hiện dự án; thường xuyên theo dõi đôn đốc tiến độ thực hiện công trình và đặc biệt là việc chấp hành kỷ luật lao động, các quy trình, quy định về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ, nhắc nhỡ chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót.
Nhà thầu luôn quan tâm thực hiện đúng tiến độ, đạt khối lượng theo kế hoạch giao, như gói thầu 1 do Liên doanh Công ty TNHH Miền Tây, Công ty TNHH xây lắp điện Sông Bé Electric và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VNECO 9 đã thi công hoàn thành đúng tiến độ, đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên đối với gói thầu 2 thi công trên địa bàn huyện Trà Ôn, Tam Bình, Bình Tân và thị xã Bình Minh, Nhà thầu còn chậm trễ trong công tác tập kết vật tư thiết bị tại công trường, tổ chức sắp xếp bố trí lao động chưa hợp lý. Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm hàng tuần, đôn đốc Nhà thầu tập trung tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp, vì vậy Nhà thầu đã thi công hoàn thành đúng thời gian theo hợp đồng ký kết.
Đánh giá tầm quan trọng của dự án, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đồng chí Phan Anh Vũ cho rằng đây là một dự án có khả năng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, nâng cao chất lượng điện năng khu vực nông thôn, giải quyết vấn đề bất hợp lý về giá bán điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới điện nông thôn. Ông Phan Anh Vũ mong muốn sau khi công trình đưa vào sử dụng, ngành điện cần tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành cũng như an toàn sử dụng cho người dân và cấp điện đầy đủ, ổn định, liên tục để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Theo Năng lượng mới