Thursday, 14/11/2024 | 09:54 GMT+7

Siêu dự án nhà máy điện mặt trời 9 tỷ USD của Ma-rốc

02/11/2015

Với siêu dự án năng lượng mọc lên trên sa mạc Sahara vốn chỉ có nắng, gió và cát, Ma-rốc đang trên đường tiến tới trở thành cường quốc năng lượng mặt trời của thế giới.

Với siêu dự án năng lượng mọc lên trên sa mạc Sahara vốn chỉ có nắng, gió và cát, Ma-rốc đang trên đường tiến tới trở thành cường quốc năng lượng mặt trời của thế giới.

 
Trang trại năng lượng mặt trời tại Ma-rốc

Dự án siêu nhà máy năng lượng mặt trời được chính phủ Ma-rốc hỗ trợ có nguồn kinh phí 9 tỉ USD, phần lớn trong số này đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Sa mạc Sahara là vốn sở hữu tiềm năng lớn về nguồn năng lượng mặt trời, do đó, nhà máy điện này đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng nguồn năng lượng quý này, từ đó, giúp Ma-rốc trở thành một trong những quốc gia điện mặt trời lớn toàn cầu.

Cụ thể, thành phố Ouarzazate nằm bên rìa sa mạc Sahara sẽ trở thành trung tâm của các siêu nhà máy điện năng lượng mặt trời. Nguồn điện năng do tổ hợp gộp thành từ 4 nhà máy này cung cấp cùng thủy điện và điện gió, sẽ đáp ứng gần một nửa nhu cầu điện năng cho Ma-rốc từ các nguồn năng lượng sạch trước năm 2020. Giai đoạn 1 của tổ hợp sẽ đi vào hoạt động vào tháng 11 và trước mắt có khả năng tạo ra 160 MW điện.

Khi hoàn thành, siêu nhà máy điện sẽ là nhà máy điên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, có diện tích lớn bằng thủ đô Rabat của Ma-rốc và tạo ra 580 MW điện, đủ để cung cấp nhu cầu năng lượng cho 1 triệu hộ gia đình.

Tiềm năng của năng lượng mặt trời từ sa mạc đã được biết đến trong nhiều thập kỉ. Nhà vật lý học nghiên cứu các hạt của Đức, Gerhard Knies từng ước tính lượng năng lượng các sa mạc trên thế giới nhận chỉ trong vài giờ đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho con người trong cả năm. Mặc dù vậy, con người vẫn gặp trở ngại trong việc thu thập nguồn năng lượng này và truyền tải chúng đến các trung tâm dân cư.

Trong lúc các kĩ sư đang hoàn thành những bước cuối cùng của giai đoạn một, 500.000 tấm kính mặt trời hình lưỡi liềm, cao 12m đã hiện diện trên sa mạc theo 800 dãy để hạn chế hư hại va đập từ gió cát sa mạc. Công nghệ kính được sử dụng tại đây có ưu điểm tiết kiệm diện tích và chi phí so với những tấm pin quang điện phổ biến hiện nay, lại vừa có khả năng tiếp tục tạo ra năng lượng ngay cả khi mặt trời đã lặn.

Theo Bộ trưởng Môi trường Ma-rốc, Hakima al-Haite, với những ưu điểm như vậy, tác động năng lượng mặt trời tạo ra đối với khu vực trong thế kỉ này cũng sẽ tương tự như điều từng xảy ra với sản phẩm dầu mỏ ở thế kỉ trước.

Bà Hakima al-Haite cho biết: “Chúng tôi không phải là một nước xuất khẩu dầu mỏ. Chúng tôi nhập khẩu 94% năng lượng là nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài, dẫn đến những hệ quả lớn với ngân sách quốc gia. Từng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch có giá đắt đỏ, vì vậy khi nghe về tiềm năng của năng lượng mặt trời”.

Tính đến năm 2020, năng lượng mặt trời sẽ chiếm 1/3 nguồn cung năng lượng sạch của Ma-rốc, tương tự với tỷ trọng của năng lượng nước và gió.

Các kĩ thuật viên cho biết hai nhà máy của giai đoạn 2 và 3 dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2017 sẽ có khả năng tích trữ năng lượng đến 8 giờ so với giới hạn 3 giờ của nhà máy giai đoạn 1, mở ra việc sử dụng năng lượng mặt trời 24/7 tại Sahara và vùng lân cận.

Chưa dừng lại ở đó, Ma-rốc hy vọng xuất khẩu lượng điện năng dư thừa sang các nước châu Âu. Hiện tại, Ma-rốc đang tập trung sử dụng năng lượng mặt trời để đáp ứng nhu cầu tự chủ về tài nguyên năng lượng của nước này. Quốc gia này cũng đang hướng đến việc khử muối trong nước trong bối cảnh quốc gia này ngày càng bị ảnh hưởng bởi hạn hán và tình trạng nóng lên toàn cầu.

 

Lê Yến (Theo The Guardian)