Thursday, 07/11/2024 | 23:40 GMT+7

Cơ hội và thách thức khi chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững

22/02/2022

Quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững ở Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đặt ra. Và, để chuyển dịch năng lượng từ các nguồn truyền thống sang năng lượng xanh, sạch, năng lượng tái tạo, cần tiếp tục đổi mới và chủ động thực hiện những giải pháp đột phá.

Trợ lực từ hợp tác quốc tế
Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, Nghị quyết số 55 NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch với mục tiêu: Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045… Đồng thời, xác định chuyển dịch không chỉ của ngành năng lượng mà phải gắn với cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng.
Các chuyên gia năng lượng cho rằng, quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội: Có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo, từng bước thay thế nguồn năng lượng truyền thống. Chi phí đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo có xu hướng ngày càng giảm, đặc biệt cho điện mặt trời, điện gió, pin tích trữ.
Nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ nguồn năng lượng tái tạo
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam còn phải đối mặt với các thách thức không nhỏ. Cụ thể, nhu cầu năng lượng Việt Nam vẫn tăng nhanh, thu hút đầu tư cho dự án luôn ở mức cao. Chính sách chuyển dịch năng lượng, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo, chưa đầy đủ, ổn định. Hạn chế về vốn đầu tư, giá thành điện năng còn thấp; tồn tại những hạn chế nhất định về nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là hạ tầng lưới điện, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện.
Để phát huy các tiềm năng sẵn có, đối mặt và vượt qua các thách thức, ngành điện rất cần sự hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ của các đối tác quốc tế cũng như sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân. "Sự hiểu biết và cùng chia sẻ của các đối tác quốc tế, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là nguồn lực hỗ trợ thiết thực, động lực để chúng tôi có thể triển khai thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả và bền vững" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Mục tiêu cốt lõi
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho rằng, để đạt được các mục tiêu đề ra, một mặt Việt Nam cần nhanh chóng mở rộng ngành điện theo kịp sự phát triển của đất nước, tăng gấp đôi công suất hệ thống trong vòng 1 thập kỷ. Mặt khác, cần quản lý tốt hơn tác động của biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiểu lượng phát thải carbon của ngành. Đặc biệt, ngành điện cần tiếp tục đổi mới liên tục và chủ động có những giải pháp đột phá để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Ủng hộ cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị COP 26, nhưng bà Carolyn Turk cũng đưa ra một số nội dung mà Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc. Thứ nhất, nội dung chuyển dịch năng lượng sạch vẫn là mục tiêu cốt lõi trong sự phát triển của các chính sách và quy hoạch ngành điện, đặc biệt tại Quy hoạch điện VIII. Thứ hai, cần loại bỏ các rào cản đối với sự phát triển của năng lượng tái tạo, cần thiết kế và khởi động các chương trình đấu thầu cạnh tranh. Thứ ba, cần mở rộng nguồn cung và đa dạng hóa lưới điện để có thể bắt kịp với sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch mới. Thứ tư, nâng cao hiệu quả từ phía người dùng điện và các biện pháp quản lý nhu cầu điện là mục tiêu trước mắt, nên được triển khai ngay lập tức. Thứ năm, cần huy động nguồn lực tài chính lớn cho quá trình chuyển dịch năng lượng. "Chúng tôi có những công cụ để có thể hỗ trợ Việt Nam rất nhiều nguồn vốn huy động bổ sung, sẵn sàng hỗ trợ cả về tài chính lẫn kỹ thuật cho Việt Nam trong thời gian tới" - bà Carolyn Turk nhấn mạnh.
Thực tế từ các nước đi trước cho thấy, chiến lược phát triển carbon thấp tạo ra một lộ trình nhanh hơn, ít tốn kém hơn và thông minh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để hướng tới chuyển dịch năng lượng bền vững, theo các chuyên gia, ngoài phát huy nội lực, Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ các tổ chức phát triển quốc tế, sự đóng góp tích cực từ khu vực ngoài nhà nước cũng như quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Bà CAROLYN TURK - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
Quá trình chuyển đổi năng lượng cần có cách tiếp cận toàn diện chứ không phải là giải pháp tức thời; biến các khuyến nghị, chính sách thành hành động và chính sách thực tế.
Theo: Báo Công Thương