Friday, 22/11/2024 | 22:22 GMT+7

Net Zero và những vấn đề đặt ra trong sử dụng hiệu quả năng lượng

11/03/2022

Vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai từ năm 2006, đến nay đã chuyển sang giai đoạn 3, song nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng còn rất khá hạn chế.

“Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội;… Phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch;… Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội…” - quan điểm chỉ đạo này đã được Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị (ban hành ngày 11/02/2020) hiện thực hoá bằng 10 nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể.
Với những khó khăn do tác động từ đại dịch COVID-19 tới cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như đời sống xã hội nói chung, ngành năng lượng nói riêng; với tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; với cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26), có rất nhiều vấn đề đặt ra, phải làm trong cả trước mắt và lâu dài.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội. (Ảnh minh họa: KT)
“Net Zero và những vấn đề đặt ra trong sử dụng hiệu quả năng lượng”  là nội dung phần 3 - cũng là phần cuối của loạt bài “COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào tới việc sử dụng hiệu quả năng lượng ở Việt Nam? của phóng viên VOV.
Tại buổi tiếp ngài Alok Kumar Sharma, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26) ngày 14/2/2022 vừa qua tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, ngay sau Hội nghị COP26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đưa phát thải ròng về Net Zero (tức là bằng “0”) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại “Dự thảo Quy hoạch Điện 8” theo hướng tiếp tục giảm mạnh nguồn điện than; Phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được phát triển mạnh với quy mô lớn; đồng thời, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, về kế hoạch phát triển nguồn NLTT trong Dự thảo Quy hoạch điện 8 đang được cập nhật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết: “Trong Dự thảo Quy hoạch Điện 8 đã tính toán cơ cấu nguồn điện với tỷ lệ năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió) tăng rất cao. Năm 2030, tổng công suất nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) đạt quy mô 38 GW, chiếm tỷ lệ 24%. Chúng tôi được biết là các quốc gia phát triển như Mỹ hiện cũng chỉ khoảng 14-15%. Chúng tôi nâng lên mức 24-25% như thế này đã rất là cách mạng. Đến năm 2045, cả nguồn điện gió và điện mặt trời đều phát triển mạnh. Tổng quy mô công suất nguồn năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) sẽ đạt mức khoảng 56 GW, chiếm tỷ lệ 45% trong cơ cấu nguồn điện…”.
Các mục tiêu về phát triển nguồn NLTT như chia sẻ của người đứng đầu ngành Công Thương Việt Nam vừa rồi cao hơn nhiều so với các chỉ tiêu được dự báo tại Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị hai năm trước. Theo các chuyên gia, để đạt được Net Zero (tức là phát thải ròng bằng “0”) vào năm 2050 thì ngay cả tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường cũng phải đạt cao hơn mức khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045 - đặt ra tại Nghị quyết 55/NQ-TW.
PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, mặc dù các Quy hoạch Điện trước đây cũng như Dự thảo Quy hoạch Điện 8 đang được lập cũng đã tính đến vai trò của việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, song, đã đến lúc cần nghiên cứu một cách nghiêm túc, mạnh dạn tính tới số MW “nguồn cung điện” cụ thể trong Quy hoạch Điện từ hoạt động TKNL thay cho số MW điện phải đầu tư thêm từ các nhà máy sản xuất điện để cung cấp cho hệ thống.
“Trong bài toán quy hoạch thì phải tính đến cả kịch bản quản lý phụ tải. Bây giờ phụ tải đang bình thường như thế, tôi thực hiện bài toán quy hoạch, nhưng trong kế hoạch tương lai là thực hiện chương trình sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện, sử dụng các chương trình gọi là điều chỉnh phụ tải - để từ đó nguồn cung ứng đáp ứng - nhưng mà là đáp ứng theo kịch bản đã tính đến việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện và những kịch bản điều chỉnh nhu cầu kia”, PGS.TS. Bùi Xuân Hồi nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, TS. Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Vì vậy, việc tính toán các kịch bản cung ứng năng lượng phải gắn với các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng hiệu quả, cung cấp tới hạn chứ không phải đáp ứng bằng mọi giá.
“Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đang đứng ở phía cung. Hiện nay, cả nền kinh tế đang đè nặng lên ngành năng lượng. Nền kinh tế chỉ cần biết là năm nay, 5 năm tới phát triển kinh tế là 5% hay 7% và yêu cầu hết 200 triệu TOE năng lượng và yêu cầu là ngành năng lượng phải đáp ứng làm sao đủ 200 triệu TOE ấy. Tại sao chưa ai đặt vấn đề là ngành năng lượng giới hạn chỉ được 150 triệu TOE thôi, nền kinh tế phải lựa chọn thông minh như thế nào đó để có sự phát triển tốt nhất trong giới hạn nguồn cung chỉ có thế. Trong bất cứ bài toán kinh tế nào cũng phải đưa ra các ràng buộc. Nhưng chúng ta có lẽ xét quá ít về sự ràng buộc của ngành năng lượng…”, TS. Đoàn Văn Bình đặt vấn đề.
Giới phân tích cho rằng, với cam kết “Net Zero”, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Còn theo bà Vũ Chi Mai, chuyên gia tư vấn năng lượng thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), với một nền kinh tế mở như Việt Nam, tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), để xuất khẩu lâu bền sang thị trường châu Âu thì bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với hiệu quả năng lượng.
“Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Các sản phẩm của Việt Nam cũng sẽ phải qua cái rào cản về biên giới carbon của châu Âu, và những sản phẩm này cũng phải đáp ứng yêu cầu này của châu Âu, do vậy, việc giảm sâu cho từng sản phẩm xuất khẩu cũng sẽ được áp dụng”, bà Vũ Chi Mai cho biết.
Những yêu cầu này đã được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nắm bắt từ sớm để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường EU thời gian qua, và tiếp tục tiến đến Net-Zero như chia sẻ của ông Đỗ Thành Tâm, Phó Tổng Giáo đốc Tập đoàn Sơn Hà về kế hoạch của doanh nghiệp: “Gần đây nhất, chúng tôi có một số những dự án liên quan làm việc với các đối tác của Đức để nghiên cứu phát triển công nghệ xanh để sản xuất thép inox và đây là một dự án trọng điểm của Sơn Hà trong nhiệm kỳ 2022-2026, đó là hợp tác nghiên cứu phát triển để sản xuất nguồn nguyên liệu thép inox, chúng tôi gọi nó là free-carbon nghĩa là không có carbon, không có phát khí thải và sử dụng nguồn năng lượng, nguồn điện xanh, đó chính là phải chủ động đối với nguồn điện, ví dụ như sử dụng điện gió dụng điện năng lượng mặt trời mà không phải là sử dụng điện từ nguồn nguyên nhiên liệu hóa thạch”.
Theo ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh, Phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP II) thì vấn đề là làm sao để cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế đều ý thức được giá trị của “doanh nghiệp xanh” thông qua việc sử dụng năng lượng sạch và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như một số doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (như Sơn Hà hay Hòa Phát…), bởi hiện vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đang “ngại” đầu tư vào đổi mới công nghệ - khi tính toán chi phí tiêu dùng điện với công nghệ cũ còn “lời” hơn cho doanh nghiệp so với việc đầu tư thay thế công nghệ mới tiêu tốn ít điện hơn.
Ông Hà Đăng Sơn nhấn mạnh tới vai trò của “liên bộ” đối với công tác này: “Từ năm 2022 trở đi, việc áp dụng này bắt buộc chúng ta phải thấy rằng là sẽ phải có đầu tư và nguồn vốn khá lớn. Do đó, điều này bắt buộc phải có sự tham gia của liên ngành, đặc biệt là các bộ liên quan đến vấn đề tài chính như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; rồi cao hơn nữa liên quan đến các động thái của Chính phủ về vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với an ninh năng lượng chung của quốc gia là như thế nào, kế hoạch về phân bổ các nguồn vốn đầu tư, đầu tư công hay là thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực tư nhân… Cần có những chính sách rất rõ ràng, tạo điều kiện cho những nhà đầu tư người ta cảm thấy là đúng là có những cơ hội để có thể bỏ vốn vào trong lĩnh vực rất là khó khăn hiện nay là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”.
Rõ ràng, vai trò của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được tính đến từ lâu, cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai từ năm 2006, đến nay đã chuyển sang giai đoạn 3 của dự án. Song, ngay cả nguồn kinh phí cho công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng còn khá hạn chế.
“Chúng tôi cũng hy vọng là trong năm 2022 khi mà chúng ta có một chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững, nhận được nguồn tài trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu với tổng kinh phí 142 triệu euro, trong đó có dự kiến có khoảng 50 triệu euro là bằng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm quả trong 5 năm thì chúng tôi cũng hy vọng là sẽ được triển khai kịp thời trong năm 2022 để cho Bộ Công Thương với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động của sử dụng năng lượng tiết kiệm quả trên các lĩnh vực khác nhau”, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nói.
Nghị quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị nêu rõ, để “bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững...”, cùng với phát triển các nguồn NLTT, phải sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trên cơ sở “cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả”, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài để giảm thiểu cường độ năng lượng. “Có chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng và có hiệu quả về kinh tế - xã hội; Đồng thời, triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng hiệu quả năng lượng đối với những lĩnh vực, ngành và sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng cao”…
Chủ trương, biện pháp đã có. Vấn đề chỉ còn là công tác tổ chức, thực thi thiết thực, hiệu quả vì lợi ích của nền kinh tế và vì sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo: VOV.VN