Friday, 22/11/2024 | 17:02 GMT+7

Nâng cao mức tiết kiệm năng lượng để đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về 0

16/03/2022

Để giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường cũng phải đạt cao hơn mức khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.

Việt Nam đang nỗ lực để hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) - cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã xây dựng phương án cập nhật lại “Dự thảo Quy hoạch điện VIII” theo hướng tiếp tục giảm mạnh nguồn điện than; Phát triển mạnh điện khí, nhất là điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng và tăng khả năng hấp thụ nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được phát triển mạnh với quy mô lớn; đồng thời, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tại buổi tiếp ngài Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26 mới đây tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ về kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được cập nhật.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: “Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã tính toán cơ cấu nguồn điện với tỷ lệ năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió) tăng rất cao. Năm 2030, tổng công suất nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (không kể thủy điện) đạt quy mô 38 GW, chiếm tỷ lệ 24%. Chúng tôi được biết là các quốc gia phát triển như Mỹ hiện cũng chỉ khoảng 14-15%. Chúng tôi nâng lên mức 24-25% như thế này đã rất là cách mạng. Đến năm 2045, cả nguồn điện gió và điện mặt trời đều phát triển mạnh. Tổng quy mô công suất nguồn năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) sẽ đạt mức khoảng 56 GW, chiếm tỷ lệ 45% trong cơ cấu nguồn điện…”.
Doanh nghiệp đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần đạt tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường cũng phải đạt cao hơn mức khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045 - đặt ra tại Nghị quyết 55/NQ-TW.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng gần 3.000 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm, nhưng tiêu thụ tới 30% tổng điện năng toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết giảm khoảng 2% điện năng tiêu thụ/năm thì tương đương giảm 1,4 tỷ kWh, khoảng 2.700 tỷ đồng.
Với 27 triệu hộ gia đình, nếu tiết kiệm 1% điện, thì mỗi năm cả nước tiết kiệm được 630 triệu kWh, tương đương 1.174 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm hai nhóm này có khả năng tiết kiệm tối thiểu 3.874 tỷ đồng.
Hiện nay, mức độ lãng phí năng lượng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam vẫn còn khá lớn. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng ước tính từ 30-35% với tỉ lệ gia tăng diện tích sàn đưa vào sử dụng hàng năm là trên 40%.
Thông tin tại lễ trao giải “Giải thưởng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp - công trình xây dựng năm 2021” và “Giải thưởng hiệu suất năng lượng cao nhất năm 2021” cuối năm 2021, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) nhận định, hiện nay, mức độ lãng phí năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp và trong các công trình xây dựng tại Việt Nam còn khá lớn, do đó, việc áp dụng và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng và các công trình xây dựng, cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm hiệu suất năng lượng cao hơn sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Trao đổi với báo chí, TS Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng cho biết, việc sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí. Vì vậy, việc tính toán các kịch bản cung ứng năng lượng phải gắn với các kịch bản tăng trưởng kinh tế theo hướng tiêu dùng hiệu quả, cung cấp tới hạn chứ không phải đáp ứng bằng mọi giá.
“Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đang đứng ở phía cung. Hiện nay, cả nền kinh tế đang đè nặng lên ngành năng lượng. Nền kinh tế chỉ cần biết là năm nay, 5 năm tới phát triển kinh tế là 5% hay 7% và yêu cầu hết 200 triệu TOE năng lượng và yêu cầu là ngành năng lượng phải đáp ứng làm sao đủ 200 triệu TOE ấy. Tại sao chưa ai đặt vấn đề là ngành năng lượng giới hạn chỉ được 150 triệu TOE thôi, nền kinh tế phải lựa chọn thông minh như thế nào đó để có sự phát triển tốt nhất trong giới hạn nguồn cung chỉ có thế. Trong bất cứ bài toán kinh tế nào cũng phải đưa ra các ràng buộc. Nhưng chúng ta có lẽ xét quá ít về sự ràng buộc của ngành năng lượng…”, TS Đoàn Văn Bình đặt vấn đề.
Giới phân tích cho rằng, với cam kết “Net Zero”, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ năm 2011 theo hướng xây dựng các chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Theo: PetroTimes