Thursday, 07/11/2024 | 22:45 GMT+7

TP.HCM đề xuất xin cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà

14/03/2023

Sở Công thương TP.HCM vừa báo cáo UBND TTP. Hồ Chí Minh về việc đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù cho Thành phố để phát triển nguồn phát điện tại chỗ. Trong đó, tập trung vào năng lượng mặt trời mái nhà để cung cấp cho lượng phụ tải rất lớn tại thành phố.

Với lợi thế là địa phương có lượng bức xạ lớn, trung bình khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày, TP. Hồ Chí Minh có số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 đến 300 giờ, liên tục trong suốt cả năm, không bị gián đoạn như ở miền Bắc. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời mái nhà ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn, có thể đạt khoảng 5.081 MWp, được xác định cho 4 nhóm đối tượng: nhóm cơ quan hành chính chiếm 3,27%; nhóm sản xuất chiếm 31,28%; nhóm thương mại dịch vụ chiếm 3,1% và nhóm hộ gia đình chiếm 62,34%.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: thesaigontimes.vn)
Tuy nhiên, theo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2022, Thành phố mới có 14.151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Trong khi đó, năm 2022, lượng điện tiêu thụ của Thành phố đạt hơn 27 tỷ kWh, tăng 11,03% so với năm 2021 (hơn 25 tỷ kWh). Nguồn điện cấp cho TP. Hồ Chí Minh chủ yếu từ bên ngoài như Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ; Nhiệt điện Nhơn Trạch 1, 2; Thủy điện Trị An; Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân; Trung tâm Điện lực Duyên hải. 
Do đó, TP. Hồ Chí Minhđề xuất Chính phủ cho thành phố áp dụng cơ chế mua điện theo giá FIT, cơ chế thực hiện đầu tư điện mặt trời mái nhà được tiếp tục áp dụng theo quy định tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho phép TP. Hồ Chí Minh sử dụng các mái nhà trụ sở của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện dư thừa (nếu có) cho ngành điện.
Nếu cơ chế được ban hành, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đảm bảo hệ thống lưới điện của thành phố sẽ giải tỏa hết công suất của các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên địa bàn, không phải đầu tư xây dựng thêm lưới điện truyền tải. Mặt khác, với người dân và doanh nghiệp, việc phát triển được nguồn điện tại chỗ không chỉ giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp mà lại còn tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện dư, không sử dụng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trước đó, năm 2016, với chính sách hòa vào mạng lưới quốc gia và được EVN mua theo giá FIT 2 trong vòng 20 năm đã thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà. Thế nhưng, chính sách này hết hiệu lực vào năm 2020, dẫn tới việc tạm dừng đấu nối lưới điện, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình đã đầu tư gặp khó khăn. Trong khi đó, lưới truyền tải của TPHCM vẫn dư tải công suất điện mặt trời mái nhà nếu phát triển hết.
Vì vậy, đề xuất của TP. Hồ Chí Minh với Chính phủ xin cơ chế đặc thù là một bước đột phá và hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.  Việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà còn mang ý nghĩa về hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà; đồng thời góp phần vào xu hướng tăng trưởng xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững; phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ.
Theo dự kiến, trong giai đoạn đến năm 2025, tổng khối lượng đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà toàn TP. Hồ Chí Minh khoảng 250 MWp/năm và bình quân 300 MWp/năm giai đoạn 2026-2030. Tổng vốn đầu tư khoảng 12.992 tỷ đồng.
Tuệ Lâm