Friday, 22/11/2024 | 16:03 GMT+7

Cần cơ chế tài chính phù hợp hỗ trợ chương trình tiết kiệm điện cho người nuôi tôm

23/07/2023

Chương trình “thí điểm mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm công nghiệp 9 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long” do EVN giao EVNSPC triển khai thực hiện đã thành công hơn so với dự kiến ban đầu. Nhưng hiện vẫn đang vướng nhiều vấn đề chưa thể triển khai tiếp cho giai đoạn tiếp theo. Nguyên nhân vì sao?

Dự án thí điểm thành công ngoài mong đợi
Theo đó, từ năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã giao cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) triển khai thí điểm 2 mô hình tiết kiệm điện tại tỉnh Sóc Trăng gồm: (1) Thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ô-xy) chữ U bằng con lăn trục quay và (2) Đồng trục hóa mô tơ với dàn quạt (tạo khí ô-xy) và sử dụng con lăn trục quay thay thế gối đỡ chữ U. Dự án thí điểm đã thu hút được 161 hộ nuôi tôm tại các huyện, xã thuộc tỉnh Sóc Trăng tham gia (nhiều hơn so với dự kiến ban đầu của chương trình là 51 hộ).
Báo cáo của nhóm tác giả  Dự án cho biết:
+ Mô hình 1 (thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay): điện năng tiết kiệm được là 15,2% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Với chi phí (vật tư, nhân công lắp đặt) là 609 triệu đồng, nhưng lợi ích về tiết kiệm chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm (của 161 hộ) là: 757 triệu đồng.
+ Mô hình 2 (đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U): điện năng tiết kiệm được là 38,7% so với khi chưa áp dụng giải pháp. Tương ứng với chi phí tiền điện tiết kiệm hàng năm (của 161 hộ) là: 1,9 tỷ đồng.
Số liệu được tính toán đối với 161 hộ thí điểm tại tỉnh Sóc Trăng có theo dõi sản lượng điện tiết kiệm. Kết quả như sau:
Bảng 1: Chi phí điện tiết kiệm trong năm của 161 hộ tham gia Chương trình thí điểm:
Điện năng tiêu thụ trong 1 vụ tôm (tháng 7-12/2017)
(kWh)
Tỷ lệ TKĐ
(%)
Sản lượng điện tiết kiệm
(kWh)
Giá BĐBQ
(đồng/ kWh)
Chi phí điện tiết kiệm/ năm
(triệu đồng)
(1)(2)(3)=(1)x(2)(4)(5)=(3)x(4)
3.763.18238.71.456.3511.6632.421,912
Với kết quả nêu trên, các hộ nuôi tôm sẽ tiết kiệm được 1.456.351 kWh/năm nếu áp dụng giải pháp tiết kiệm điện (mức tiết kiệm là 38,7%), tương ứng số tiền tiết kiệm hơn 2,4 tỷ đồng/năm.
Dự án thí điểm đã được Bộ Công Thương quyết định trao tặng “Sáng kiến tiết kiệm điện”; đạt giải nhất “Sáng kiến vì cộng đồng” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức năm 2018.
Tiềm năng tiết kiệm điện lớn và lợi ích cho ngành Điện
Tại thời điểm diễn ra Chương trình thí điểm, quá trình áp dụng thực tế tại 01 hộ nuôi tôm (ngụ tại ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông, Thị xã Vĩnh Châu) kết quả đạt được rất khả quan. Tối ưu hóa hiệu suất truyền động của động cơ thông qua việc lắp đặt đúng cách với trục quay của hệ thống quạt nước. Giá thành con lăn thấp nhưng mang lại hiệu suất cao cho động cơ. Hiệu quả tiết kiệm điện được thể hiện cụ thể. Đặc biệt là thời gian hoàn vốn nhanh.
Từ kết quả của Chương trình thí điểm có thể mở rộng và nâng cao hiệu quả mô hình phối hợp giữa Điện lực và các tổ chức Đoàn thể tại địa phương trong hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, thuận lợi cho việc phát triển công tác đầu tư dịch vụ hỗ trợ hộ dân nuôi tôm.
Cũng theo tính toán tại thời điểm năm 2017 của EVNSPC, từ sản lượng điện tiết kiệm được trên 161 hộ nuôi tôm tham gia Chương trình, nếu tính trên diện tích nuôi tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long khi áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện thì sản lượng điện tiết kiệm trung bình có thể đạt tới hơn 4,6 tỉ kWh.
Bảng 2: Công suất đỉnh tính toán trên diện tích khu vực ĐBSCL
Sản lượng điện tiết kiệm 161 hộ
(kWh)
Sản lượng điện tiết kiệm trung bình trên 01 ha
(kWh)
Tổng diện tích nuôi tôm khu vực ĐBSCL (Số liệu từ Bộ NN&PTNT)
(ha)
Sản lượng điện tiết kiệm trung bình tại khu vực ĐBSCL 
(kWh)
Thời gian vận hành trung bình của dàn quạt/ha trong 01 vụ tôm (4 tháng)
(giờ)
Công suất đỉnh trên tổng điện tích khu vực ĐBSCL 
(MW)
(1)(2)(3)(4)=(2)x(3)(5)(6)=(4)x(5)
1.456.3517.070654.8134.629.527.91019.440238.145
Bảng 2 cho thấy, tổng 161 hộ nuôi tôm trong Chương trình, đã thay thế gối đỡ con lăn tại 1.807 dàn quạt/161 hộ. Tổng diện tích các hộ nuôi tôm đăng ký là 206 ha, khi đó trung bình với 01 ha diện tích nuôi tôm (trung bình 9 dàn quạt/ha) sẽ tiết kiệm được 7.070 kWh (= 1.456.351 / 206). Thời gian vận hành trung bình của dàn quạt trong 1 vụ tôm (4 tháng) = 18 giờ/dàn/ngày x 9 dàn/ha x 120 ngày = 19.440 giờ/ha.
Trong khi đó, để đầu tư 01 MW điện (suất đầu tư là 0,9 triệu USD/01 MW, 01 USD giá 22.700 đồng) cần đến hơn 20 tỷ đồng. Như vậy, với hơn 238 MW công suất đỉnh cần thiết để cấp điện cho các hộ nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chi phí để đầu tư sẽ vào khoảng 4.760 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ trong việc đầu tư cấp điện riêng cho nuôi tôm. Do đó, bằng giải pháp tiết kiệm điện như trên sẽ giúp EVN tiết kiệm được chi phí đầu tư, cũng như rút ngắn thời gian đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ cấp điện trong nuôi tôm.
Việc triển khai thực hiện giải pháp tiết kiệm điện giúp ngành Điện giảm bớt được áp lực về cung cấp điện khi các hộ nuôi tôm thâm canh (siêu thâm canh) tự nhận thức và nâng cao ý thức về tiết kiệm điện.
Đối với các hộ nuôi tôm, khi tham gia Chương trình, người dân thấy được hiệu quả tiết kiệm điện thực tế (tiết kiệm tiền) nên đã có ý thức hơn về sử dụng điện tiết kiệm và an toàn trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; do đó, khi được giới thiệu các mô hình nuôi tôm thâm canh (siêu thâm canh) với các giải pháp tiết kiệm điện mới, người dân đều nhiệt tình ủng hộ tham gia, tạo thuận lợi trong công tác quảng bá, tuyên truyền về giải pháp tiết kiệm điện của ngành Điện.
Mô hình thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay tiết kiệm tới 15,2% điện năng tiêu thụ 
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, khi chương trình triển khai, các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ… cũng đã có sự quan tâm, định hướng, phối hợp với ngành Điện để đánh giá hiệu quả và quảng bá về thành công của mô hình thí điểm; đây là điều kiện cần thiết để Chương trình tiết kiệm điện trong nuôi tôm được triển khai trên phạm vi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Việc nghiên cứu để cải tiến, chuyển đổi công nghệ tích hợp đối với dàn quạt tạo oxy trong nuôi tôm của EVN và EVNSPC đã mang đến cho các hộ nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và người dân nuôi tôm cả nước nói chung những giải pháp rất đơn giản mà thiết thực để tiết kiệm chi phí trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm). Chỉ tính riêng 161 hộ nuôi tôm tham gia Chương trình thí điểm trong năm 2017 đã hưởng lợi hơn 2,4 tỉ đồng tiền điện tiết kiệm được (Bảng 1). Còn ngành Điện, nếu sáng kiến này có thể áp dụng toàn bộ các hộ nuôi tôm của vùng đồng bằng sông Cửu Long thì có thể tiết kiệm được hơn 4,6 tỷ kWh/năm tương đương gần 4.760 tỷ đồng do giảm được mức đầu tư nguồn và lưới điện trong việc cấp điện khu vực nuôi tôm (Bảng 2).
Cần cơ chế tài chính hỗ trợ mô hình tiết kiệm điện cho người nuôi tôm
Tháng 4/2018, trong một chuyến công tác tại Sóc Trăng, tôi có trực tiếp tới thăm quan và khảo sát mô hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh của ông Nguyễn Văn Nhiệm, nguyên Giám đốc PC Sóc Trăng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, với biệt danh ông “Bảy tôm”. Là người gắn bó cả đời với ngành Điện và những vuông tôm, ông Bảy cũng là người đi tiên phong trong việc triển khai giải pháp thay thế gối đỡ chữ U bằng con lăn đỡ trục quay và sau đó là đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U.
Khi chúng tôi đến thăm, ông chỉ tay vào các vuông tôm của mình quả quyết “năm nay tui sẽ tiếp tục đầu tư hết số diện tích còn lại, tổng cộng khoảng 20 ha tôm gia đình đang nuôi. Tui mê cái đồng bộ này lắm, lời dữ quá mà, thu hồi vốn rất nhanh, sao không đầu tư”.
Mô hình đồng trục hóa mô tơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U tiết kiệm tới 38,7% điện năng tiêu thụ được áp dụng trên vuông tôm của ông Bảy
Về phía PC Sóc Trăng cũng khẳng định, các hộ nuôi tôm công nghiệp thì khi thấy lợi ích là hăng hái tham gia và tự đầu tư liền, còn các hộ cá thể thì rất khó khăn. Đôi khi hỗ trợ năm trước, năm sau không có hỗ trợ họ cũng bỏ, không làm tiếp. Nguyên nhân là do, số vốn tích lũy của người dân quá thấp, tiền vay ngân hàng thường dành cho giống, cho thức ăn, cho thuốc chống bệnh nên không thể đầu tư thêm vào các thiết bị hiệu suất cao để tiết kiệm. Nhiều người rất muốn mà không làm được phải chịu vì không có vốn, thật là “lực bất tòng tâm”.
Theo ông Bảy, nuôi tôm là vật lý học, là hóa học, là sinh học, là quang học, cho nên muốn phát triển thì các ngành phải cùng tham gia giải quyết. “Giá như phát triển được mô hình Công ty dịch vụ tiết kiệm năng lượng - ESCO, có doanh nghiệp đầu tư rồi cùng chia sẻ lợi nhuận với người dân, thì có thể việc tiết kiệm điện trong nuôi tôm sẽ nhân rộng được và hiệu quả sẽ vô cùng lớn” – ông Bảy đề xuất.
Theo báo cáo Kế hoạch tiết kiệm điện giai đoạn 2022-2025 của EVN gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/8/2022, mục tiêu ngành Điện đặt ra là “Giảm công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025”. Trong khi đó, với tính toán ở trên, chỉ riêng vùng nuôi tôm của đồng bằng sông Cửu Long đã có thể tiết kiệm được 238 MW công suất đỉnh, một con số không hề nhỏ.
Đây chính là lý do để ngành Điện muốn trở thành nhà đầu tư - một ESCO của người nuôi tôm, nhưng hiện cơ chế tài chính đang chưa cho phép ngành Điện được dùng tiền để thực hiện các dự án này. Hay nói cách khác, các dự án này chưa được hạch toán vào chi phí của ngành Điện, mà vẫn phải chờ lồng ghép vào các dự án tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Bộ Công Thương điều phối, với rất nhiều thủ tục và còn rất lâu mới có thể đến được với người dân.
Do đó, đối tượng hưởng lợi là người dân sẽ còn lâu lắm mới có thể được hỗ trợ tiếp. Việc tiết kiệm điện trong nuôi tôm rất có thể rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, hoặc may mắn hơn, một số cơ sở có năng lực tài chính có thể tự đầu tư sẽ tiết kiệm được chút ít, nhưng so với tiềm năng thì là con số không thấm tháp gì nếu có chiến lược đầu tư bài bản theo tính toán của ngành Điện.
Đây thực sự là một điều đáng tiếc và mong muốn lớn nhất lúc này là các nhà quản lý cần nhìn nhận trực diện vấn đề về cơ chế tài chính, tháo gỡ hợp lý để EVN có thể chủ động triển khai các nội dung, chương trình/dự án tiết kiệm điện trên phạm vi toàn quốc đã được phê duyệt. Có như vậy, các chương trình, dự án tiết kiệm điện mới thực sự được triển khai hiệu quả đến người dân và đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống.
Theo: VECEA