Friday, 22/11/2024 | 14:13 GMT+7

Lồng ghép mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

11/09/2023

Việc sử dụng năng lượng vẫn có mức thâm dụng lớn; chi phí năng lượng đối với nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Điều đó đòi hỏi giải pháp vĩ mô, lồng ghép mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Ngay từ năm 2010, Quốc hội đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng với một hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi. Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Giai đoạn 2019-2030, Chương trình đặt mục tiêu tiết kiệm 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và 8-10% trong cả giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 yêu cầu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ.
Hệ thống lò đốt ở nhà máy xi măng Đô Lương. Ảnh: Thu Huyền 
Bên cạnh mục tiêu định lượng, Chương trình quốc gia còn đặt mục tiêu định tính là thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và trách nhiệm, hướng tới xây dựng con người, doanh nghiệp có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia thông qua thay đổi nhận thức, tư duy, hành vi, hình thành thói quen về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 ban hành ngày 11/2/2020 khẳng định: "Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với sản xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại".
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc đầu tư hiệu quả 1 đồng vốn cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư 3-4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung. Vì thế, việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng là yếu tố then chốt trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Lồng ghép mục tiêu sử dụng
Mới đây, tại cuộc tọa đàm về “Nâng cao tuyên truyền về sử dụng hiệu quả năng lượng cho phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho biết: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rõ ràng, nhất quán và khoa học, song một mặt việc cụ thể hóa còn chậm nên các doanh nghiệp là chủ thể quan trọng thực thi Chương trình quốc gia còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Mặt khác, kết quả thực hiện các chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghệ và văn hóa chưa đạt mục tiêu nên hạn chế hoàn thành mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với tư cách là các mục tiêu lồng ghép.
Trên cơ sở đó, TS. Vũ Đình Ánh đã nhấn mạnh 3 giải pháp, gồm:
Thứ nhất: Lồng ghép mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi cấu trúc nền kinh tế theo hướng hài hòa, bền vững, hạn chế tiến tới loại bỏ việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu thụ năng lượng. Cần xem xét lại nhu cầu phát triển và cơ cấu tiêu thụ năng lượng của từng ngành, từng lĩnh vực để định hình cấu trúc kinh tế quốc gia ít hoặc hạn chế phát triển dựa vào tiêu thụ năng lượng.
Thứ hai: Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia. Đổi mới công nghệ phải gắn chặt với yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện. Không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, tiêu thụ điện cao vào Việt Nam. Xây dựng lộ trình thay thế công nghệ, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cũ có hiệu suất sử dụng năng lượng, sử dụng điện thấp.
Điện áp mái nhà là 1 trong những giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ. Ảnh: Thu Huyền
Thứ ba: Lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải trở thành đặc điểm văn minh của con người Việt Nam mới. Hoạt động tuyên truyền, đào tạo, cải thiện nhận thức của cá nhân, cộng đồng về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phải gắn chặt với việc phát triển con người Việt Nam nhằm xây dựng một xã hội mới có trách nhiệm với tài nguyên năng lượng quốc gia, với các thế hệ mai sau trong bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Cụ thể cho các mục tiêu trên, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần thay đổi thói quen và nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của người lao động một cách thực chất.
Các khu công nghiệp, nhà xưởng sản xuất có mức sử dụng năng lượng cao nên việc tuyên truyền cho công nhân các lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, phát động các phong trào thi đua và tổ chức các hoạt động khen thưởng tập thể, cá nhân có ý thức trách nhiệm trong tiết kiệm năng lượng đi đôi với biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lãng phí trong sử dụng năng lượng có ý nghĩa thiết thực. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận với các công cụ cải tiến năng suất như TPM, 5S, Kaizen… đã góp phần thúc đẩy người lao động nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm hơn với công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là áp dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng mới thay thế. Theo đánh giá, chi phí năng lượng đối với sản xuất công nghiệp còn cao có nguyên nhân chủ yếu do nhiều doanh nghiệp đang sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, không hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng. Trong khi năng lực tài chính để có thể chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế thiết bị dây chuyền cũ, lạc hậu bằng dây chuyền mới hiệu quả hơn.
Vì thế, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu bằng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng là xu thế tất yếu của doanh nghiệp. Theo chia sẻ của vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), thì tiềm năng trong việc tiết kiệm điện trong khối doanh nghiệp sản xuất còn rất lớn. Sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện hiệu suất cao có thể tiết kiệm từ 20-40% lượng điện tiêu thụ tùy quy mô và công nghệ.
Điều hành tại nhà máy xi măng sông Lam. Ảnh: Thu Huyền
Bên cạnh đó, việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái cũng là một giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ và thậm chí có thể bán lại nguồn điện dư thừa cho nhà cung cấp. Đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là vấn đề tiết kiệm năng lượng cho từng cơ sở tiêu thụ mà còn góp phần giảm phụ tải cho hệ thống điện chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt là giải bài toán chi phí - lợi ích và nguồn lực tài chính đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị cũng như rủi ro chính sách.
Đồng thời, phải giám sát và cải tạo hệ thống theo hướng tiết kiệm năng lượng, hiệu quả. Doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua công nghệ đo đếm, phân tích, theo dõi và cảnh báo khi có sự cố gây rò rỉ hoặc hao tổn năng lượng, quản lý việc sử dụng điện, giảm tiêu tốn năng lượng, thường xuyên kiểm soát tất cả các khu vực và hệ thống tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm,...
Theo: Báo Nghệ An