Friday, 08/11/2024 | 02:08 GMT+7

Tăng trưởng điện cao, Bộ Công Thương kêu gọi tiết kiệm điện và yêu cầu thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp lớn

28/03/2024

Các ngành sản xuất tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm 2024. Thống kê cho thấy, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện đã tăng khoảng 12%, cao hơn nhiều so với kế hoạch cung cấp điện thời gian cao điểm mùa khô là từ 9,15-9,6%.

Trước áp lực khô hạn, nắng nóng gay gắt dự kiến sẽ căng thẳng hơn cùng kỳ các năm trước, ngành Công Thương yêu cầu triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp nhằm đảm bảo điện cao điểm mùa khô năm 2024. PV Nguyên Long phỏng vấn ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) về nội dung này.
Ông Nguyễn Thế Hữu – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương).
PV: Thưa ông, tình hình kinh tế quý đầu năm đã cho thấy rõ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngành công nghiệp, kéo theo nhu cầu điện cho sản xuất sẽ tăng cao trong thời gian tới. Thực tế tăng trưởng điện so với kế hoạch những tháng đầu năm này hệ thống điện quốc gia có gặp khó khăn gì không? 
Ông Nguyễn Thế Hữu: Để chuẩn bị cho công tác cung ứng điện năm 2024,  Bộ Công Thương đã phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 (tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023) với kịch bản điều hành theo dự báo nhu cầu phụ tải tăng trưởng 9,15%. Ngay sau đó, để đảm bảo dự phòng cho cung ứng điện mùa khô năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng từ tháng 4 đến tháng 7) năm 2024 với kịch bản nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao 9,6%.
Tính đến hết ngày 25 tháng 3 năm 2024, lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, nhu cầu phụ tải thực tế tăng khoảng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, với sự điều hành sát sao từ cuối năm 2023 nên việc cung ứng điện của 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên Đán Giáp Thìn đã được đảm bảo tốt. Bên cạnh đó, trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm nước hồ thủy điện thì đã huy động tăng cao các nguồn nhiệt điện than, điện khí, điện tái tạo để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Kết hợp với giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ thêm cho miền Bắc. Vì vậy, mặc dù phụ tải tăng cao nhưng việc đảm bảo điện trong 3 tháng đầu năm đã được đảm bảo tốt. 
PV: Thưa ông, từ thực tế tăng trưởng điện đã cao hơn nhiều so với các dự báo của cả kế hoạch cung cấp điện cao điểm mùa khô thì các giải pháp của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo điện cao điểm mùa khô 2024 trước thực tế này như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Hữu: Hiện nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn điện, lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) để tính toán, cập nhật Kế hoạch đảm bảo cung ứng điện cho các tháng cao điểm mùa khô sắp tới. 
Bộ Công Thương cũng nhận thấy, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh của các nhóm ngành công nghiệp thì nhu cầu sử dụng điện tăng cao khi nền nhiệt độ tăng. Hiện nay khu vực miền Nam đang cao điểm nắng nóng rồi. Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7 sẽ là cao điểm của miền Bắc và cũng là cao điểm của quốc gia, Bộ Công Thương cũng nhận định tăng trưởng phụ tải điện nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với kịch bản được dự báo từ cuối năm 2023. Trong thời gian tới, trên cơ sở tính toán cập nhật của EVN, Bộ Công Thương sẽ rà soát, cập nhật lại  Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Để chủ động chuẩn bị cung ứng điện mùa khô năm 2024, thì Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng cũng đã tổ chức các đoàn công tác làm việc thực tế với các đơn vị điện lực tại các khâu: phát điện – truyền tải điện – phân phối điện để rà soát công tác chuẩn bị phương án đảm bảo điện. 
Trên cơ sở kết quả làm việc của các đoàn công tác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có các chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Tập đoàn/Tổng công ty có liên quan thực hiện các giải pháp cần tập trung triển khai.
Thứ nhất, đảm bảo cung cấp đủ, liên tục nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu than, khí cho nhu cầu sản xuất điện.
Thứ hai, tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các thiết bị của nhà máy điện, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng để đảm bảo độ khả dụng cao nhất của các tố máy phát điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện ở khu vực miền Bắc.
Thứ ba, điều tiết hợp lý các hồ chứa thủy điện với mục tiêu đảm bảo dự phòng công suất điện năng của hệ thống điện ở mức cao nhất có thể trong các tháng cao điểm mùa khô.
Thứ tư, tăng cường công tác rà soát hành lang lưới điện truyền tải 500-220kV, kiểm tra các thiết bị trên hệ thống truyền tải điện để kịp thời phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế thấp nhật các trường hợp sự cố có thể xảy ra.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), đặc biệt tập trung vào các tỉnh lớn, phụ tải cao, có nhiều tiềm năng triển khai chương trình. Chủ động tăng cường làm việc với các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng tiêu thụ điện lớn để thống nhất các phương án điều chỉnh phụ tải điện và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.
Thứ sáu, tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện, tăng khả năng truyền tải điện, đặc biệt là công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối theo tiến độ được giao.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công tác tiết kiệm điện trong việc đảm bảo điện hiện nay? 
Ông Nguyễn Thế Hữu: Công tác tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng đối với việc đảm bảo cung ứng điện không chỉ trong trước mắt các tháng cao điểm mùa khô mà trong cả các năm tiếp theo. Đây là một giải pháp mang tính dài hạn, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc tiết kiệm điện không chỉ làm giảm áp lực cho ngành điện trong việc đảm bảo cung ứng điện mà còn làm giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho sản xuất điện, qua đó, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường bền vững hơn.
PV: Các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) cũng được ngành Công Thương khuyến khích EVN và các doanh nghiệp thực hiện nhiều năm qua. Theo ông, đâu là giải pháp để các chương trình như DR triển khai có hiệu quả?
Ông Nguyễn Thế Hữu: Trong những năm gần đây, EVN, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực đã chủ động làm việc với các khách hàng sử dụng điện đặc biệt là các nhóm khách hàng sản xuất có tiêu thụ điện lớn, có tiềm năng triển khai để thống nhất các chương trình điều chỉnh phụ tải điện phi thương mại. Điều này đã và đang mang lại hiệu quả trong việc giảm bớt nhu cầu sử dụng điện trong các giờ cao điểm của hệ thống điện, đặc biệt là trong thời điểm cao điểm nắng nóng hàng năm.
Mục tiêu quan trọng của các chương trình quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) là tác động thay đổi thói quen sử dụng điện của người dân theo hướng hiệu quả hơn, tiết kiệm được vốn đầu tư xã hội cho hạ tầng điện lực. Để thực hiện được việc này thì cần phải xây dựng cơ sở pháp lý để hình thành và vận hành hiệu quả các quỹ về phát triển năng lượng bền vững, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính và không trùng lặp với nguồn thu hay nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hiện tại thì Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Luật Điện lực sửa đổi. Trong thời gian tới, để tạo cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), Bộ Công Thương dự kiến sẽ đề xuất bổ sung nội dung định hướng cơ bản của công tác quản lý nhu cầu điện, quy định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, xác định cơ chế tài chính để thực hiện các chương trình về quản lý nhu cầu nhu điện (DR).
PV. Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Theo: Trang tin Điện tử ngành Điện