Saturday, 23/11/2024 | 02:03 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng trong hệ thống lạnh

30/06/2015

Hệ thống làm mát và đông lạnh trong quá trình vận hành những hệ thống này tiêu thụ rất nhiều năng lượng, có thể chiếm đến 30-70% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn doanh nghiệp.

Hệ thống làm mát và đông lạnh là một trong những hệ thống quan trọng nhất đối với một số ngành và doanh nghiệp như chế biến thực phẩm, tòa nhà, khách sạn, siêu thị, dược phẩm…Trong quá trình vận hành những hệ thống này tiêu thụ rất nhiều năng lượng (chủ yếu là điện năng), có thể chiếm đến 30-70% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn doanh nghiệp.
 
Do vậy vấn đề làm thế nào giảm thiểu được chi phí điện năng tiêu thụ cho hệ thống làm mát và động lạnh là một trong những vấn đề đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất hiện nay.
 
Các giải pháp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện cho các hệ thống làm mát và đông lạnh mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm hay ảnh hưởng đến quy trình khai thác bình thường: Thay thế hệ thống cũ, lắp đặt hệ thống mới hiệu suất cao. Lắp đặt bảo ôn cho các đường ống lạnh. Sử dụng tối ưu thiết bị: Xác định rõ ràng những nhu cầu làm mát hay đông lạnh để tránh lãng phí nhằm lựa chọn chế độ và công suất phù hợp.
 
Lên kế hoạch lưu kho một hoặc vài lần trong ngày, không lưu kho khi sản phẩm còn nóng, vận chuyển sản phẩm từ nơi đông lạnh đến nơi làm mát thật nhanh, xử lý nhiệt độ phù hợp riêng cho làm mát và đông lạnh. Giảm thiểu sự xâm nhập của khí nóng từ các nguồn khác: Giảm tối đa sự xâm nhập của không khí vào khu vực làm mát/đông lạnh bằng các tấm ngăn nhựa, cửa cuốn hay dùng loại cửa cách ly. Khi lắp đặt không được có khoảng trống khe hở và khu vực đông lạnh phải để xa các khu vực có nhiệt độ cao như bếp ăn, nơi làm ấm thực phẩm, gần ánh mặt trời. Nên bố trí khu vực hệ thống đông lạnh sát nhau. Sử dụng hệ thống chiếu sáng ít toả nhiệt (CFL) trong các máy đông lạnh và chỉ bật đèn khi thật cần thiết. 
 
Lưu trữ và trưng bày sản phẩm hợp lý để nhân viên hoặc khách hàng có thể lấy sản phẩm họ cần một cách dễ dàng nhằm giảm thời gian và số lần đóng mở cửa các máy đông lạnh. Thường xuyên bảo trì và vệ sinh: Đảm bảo rằng hệ thống lưu thông không khí trong phòng đông lạnh không bị ngăn chặn. Tránh để các luồng khí bốc hơi bị đóng băng. Đảm bảo nhiệt độ đã được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu làm mát.
 
Thường xuyên kiểm tra hoạt động của máy điều nhiệt. Sử dụng các bồn trữ lạnh trong hệ thống điều hòa không khí. Bồn trữ lạnh là một công nghệ mới xuất hiện gần đây. Nó đáp ứng được nhu cầu cho sự quản lý năng lượng một cách linh động. Bồn trữ lạnh thường được sử dụng để lưu trữ công suất làm mát cho điều hoà không khí của những hệ thống làm lạnh trung tâm phục vụ cho những toà nhà lớn sử dụng những chiller (thiết bị làm lạnh) chạy bằng điện. Chiller thường nghỉ về đêm vì lúc đó thường không cần cung cấp tải lạnh. Khi hệ thống bồn trữ lạnh được gắn vào hệ thống thì Chiller có thể làm việc về đêm để trữ năng suất lạnh và cấp trở lại vào ban ngày khi có nhu cầu. Việc làm lạnh này có thể bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn việc làm lạnh của Chiller vào ban ngày.
 
Trước thực trạng thiếu điện ngày càng gay gắt, việc tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp. Là nhà phân phối bán lẻ lớn, mỗi ngày hệ thống siêu thị BigC Việt Nam đón hàng vạn lượt khách hàng đến mua sắm. Vì vậy, lượng điện tiêu thụ tại BigC chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí (khoảng 30%). Nhận thức được vấn đề này, BigC Việt Nam đã hợp tác với Công ty Kiểm toán năng lượng kiểm tra lại toàn bộ việc sử dụng điện năng trên toàn hệ thống siêu thị. Kết quả, đã có 3 hệ thống tiêu thụ nhiều điện năng nhất là hệ thống điều hòa không khí, chiếu sáng và trữ đông thực phẩm.
 

Từ thực tế đó, BigC Việt Nam đã tiến hành đầu tư sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng như: thay mới các đèn huỳnh quang T8 bằng đèn huỳnh quang T5 tiết kiệm điện tiết kiệm hơn 40% điện năng tiêu thụ/năm mà vẫn bảo đảm độ sáng. Lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý năng lượng tại các siêu thị. Việc này giúp BigC Việt Nam quản lý TKNL trong toàn hệ thống siêu thị và nâng cao chất lượng điện năng. Hệ thống quản lý năng lượng sẽ giúp BigC tiết kiệm trung bình 5% chi phí quản lý, đầu tư cho mỗi chi nhánh bằng cách quản lý nhu cầu tiêu thụ năng lượng và tối ưu hóa chi phí đầu tư cho TKNL trong tương lai gần.

Lắp đặt bổ sung bồn trữ lạnh để tận dụng giá điện giờ thấp điểm. Hệ thống này hoạt động theo nguyên lý nạp đầy vào giờ thấp điểm và xả vào hệ thống điều hòa trong thời gian siêu thị hoạt động, giúp tránh được việc phải trả một số tiền điện lớn trong giờ cao điểm. Theo tính toán, việc áp dụng hệ thống bồn trữ lạnh tại siêu thị BigC Thăng Long với chi phí đầu tư ban đầu hơn 6 tỷ đồng, mỗi năm siêu thị tiết kiệm hơn 1,5 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn của hệ thống này 4 năm, trong khi thời hạn bảo hành hệ thống là 10 năm.

Bên cạnh việc đầu tư các thiết bị, giải pháp tiết kiệm điện, BigC Việt Nam còn đào tạo cho nhân viên vận hành hệ thống thiết bị, đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả cán bộ công nhân viên về ý thức tiết kiệm điện, tắt các thiết bị sử dụng điện khi ra khỏi phòng và cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng và gió tự nhiên; chỉ sử dụng điều hòa khi cần thiết với nhiệt độ làm mát phù hợp.

Ngoài ra Siêu thi BigC còn áp dụng các giải pháp TKNL như lắp biến tần cho máy bơm hệ thống trữ lạnh, sử dụng vật liệu vách ngăn tường 3D giữ nhiệt, hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời…

Với những giải pháp TKNL được đầu tư có trọng điểm, BigC Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò trong việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, đồng thời xây dựng thương hiệu phát triển theo hướng xanh, bền vững.
 
Theo Ánh Sáng Online