Tuesday, 14/01/2025 | 01:39 GMT+7
Trong giai đoạn 2011 - 2015, với vai trò tiên phong, công tác tiết kiệm điện (TKĐ) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trở thành phong trào rộng khắp cả nước và đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn 2016 - 2020, EVN sẽ chú trọng vào chiều sâu và tính hiệu quả của chương trình.
Tăng tính chủ động của các đơn vị
Báo cáo của Ban Kinh doanh EVN cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, đơn vị đã nghiêm túc đi đầu trong việc thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả thông qua việc tổ chức hàng loạt các chương trình TKĐ trên cả nước. Nhờ đó, cả nước đã tiết kiệm được 11,88 tỷ kWh điện, tương đương 17.808 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên chưa tương xứng với khả năng có thể thực hiện, bởi lẽ sản lượng điện tiết kiệm mới chủ yếu ở khối khách hàng sinh hoạt, còn ở khối sản xuất công nghiệp (chiếm tới trên 54% sản lượng điện thương phẩm) vẫn còn nhiều hạn chế. Nghĩa là, hệ số đàn hồi điện vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng giám đốc EVN - cho biết, trong bối cảnh phụ tải điện liên tục tăng cao, nhất là khu vực miền Nam, thì việc thực hiện các chương trình TKĐ, kêu gọi cộng đồng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là hết sức cần thiết.
Với mục tiêu tiếp tục tạo đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng điện, chống lãng phí và giảm hệ số đàn hồi, tháng 7/2016, Hội đồng thành viên EVN đã ban hành Nghị quyết số 184/NQ-HĐTV phê duyệt Đề án TKĐ giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ năm 2016 trở đi sẽ không giao chỉ tiêu TKĐ theo tỷ lệ phần trăm so với điện thương phẩm và không quy định về phương pháp xác định sản lượng điện tiết kiệm.
Như vậy, các tổng công ty điện lực và các công ty điện lực chủ động đánh giá kết quả thực hiện công tác TKĐ hàng năm thông qua các chương trình tiết kiệm điện cụ thể. Giải pháp này tạo động lực thúc đẩy các đơn vị phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, nâng cao chất lượng của các dự án, chương trình TKĐ.
Chú trọng các chương trình hiệu quả
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, trong giai đoạn 2016 - 2020, chương trình TKĐ của EVN chỉ duy trì một số chương trình trọng tâm như: Giờ trái đất, gia đình, trường học TKĐ. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục triển khai Chương trình “Hỗ trợ nông dân trồng thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang, đổi đèn sợi đốt bằng đèn compact”. Đây là những chương trình được đánh giá là mang lại hiệu quả thiết thực, như việc hỗ trợ nông dân trồng thanh long trong giai đoạn vừa qua đã tiết kiệm được 57,6 triệu kWh (khoảng 11,52 triệu kWh/năm) và giảm khí phát thải nhà kính hơn 36.000 tấn CO2, tiết kiệm cho các hộ dân hơn 97 tỷ đồng tiền điện.
Đối với lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh, EVN sẽ chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh áp dụng mô hình Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO) nhằm cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho khách hàng (phấn đấu tiết kiệm tối thiểu là 24 triệu kWh điện/năm); đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Bộ Công Thương và Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách giúp thị trường ESCO Việt Nam phát triển.
Để mô hình phát triển rộng rãi trong thời gian tới, EVN kiến nghị Bộ Công Thương có những hướng dẫn, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trên cả nước hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá về ESCO.
Giai đoạn 2016 - 2020, EVN khuyến khích các tổng công ty điện lực tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng bằng nguồn vốn do các đơn vị tự thu xếp, bảo đảm hiệu quả. Kinh phí thực hiện theo nguyên tắc tự thu bù chi, không hạch toán vào giá thành điện.
Theo http://vinanet.vn