Monday, 23/12/2024 | 19:32 GMT+7
Fujisawa (Nhật Bản)
Thành phố Fujisawa SST. Nguồn: nangluongsachvietnam
Khu đô thị thông minh phát triển bền vững Fujisawa (Fujisawa SST) được xây dựng theo mô hình chiếc lá, trên diện tích 19 hecta, thuộc thành phố Fujisawa của tỉnh Kanagawa, cách thủ đô Tokyo khoảng 50 km về hướng Tây Nam.
Khu đô thị được xây dựng với nguồn vốn đầu tư 60 tỷ yên Nhật đã bắt đầu hoạt động vào năm 2014.
Điểm nổi bật của Fujisawa SST chính là các giải pháp năng lượng siêu tiết kiệm và thân thiện môi trường.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đô thị, một loạt các tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) có chiều dài tổng cộng 400m được lắp đặt dọc theo tuyến đường cao tốc song song với đô thị.
Theo Panasonic, 100% công trình xây dựng ở Fujisawa SST đều lắp đặt pin NLMT trên mái nhà, giúp các cư dân thoải mái sử dụng nguồn điện được làm ra và có điện dư thừa để tích trữ hoặc bán lại cho nhà cung cấp.
Fujisawa SST có 3 module NLMT công suất 3 megawatt, là một trong những hệ thống phân phối điện cá thể có công suất lớn trên thế giới. Panasonic cũng cho lắp đặt tại đô thị các điểm sạc pin cho ô tô và xe đạp, khuyến khích các cư dân sử dụng những thiết bị không có khí thải.
Songdo (Hàn Quốc)
Thành phố Songdo. Nguồn: nangluongsachvietnam
Songdo (hòn đảo của cây thông) là thành phố mới được xây dựng từ năm 2003 trên một hòn đảo nhân tạo lấn biển, diện tích khoảng 6km2, cách Seoul 65km. Sau hơn 13 năm xây dựng với chi phí gần 40 tỷ USD, một thành phố hoàn chỉnh đã mọc lên với khoảng 20.000 cư dân và trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng.
Songdo ứng dụng gần như đầy đủ các yếu tố của một smart city. Các bộ phận, dịch vụ tại đây liên kết với nhau bằng công nghệ kết nối, tạo sự hiệu quả và đồng bộ trên toàn khu đô thị.
Thiết kế thân thiện với môi trường là ưu tiên hàng đầu của Songdo, với hệ thống cảm biến được gắn khắp mọi nơi. Hầu hết các cột đèn đường có camera, bộ cảm biến và những chiếc loa phát nhạc dịu dàng. Cảm biến có thể tự động điều chỉnh điện năng tiêu thụ theo điều kiện thời tiết và ánh sáng, tính toán lưu lượng giao thông ở các điểm để đưa ra quyết định sử dụng điện hiệu quả nhất.
Cả thành phố được phủ wifi miễn phí. Các bến xe buýt cũng tích hợp cảm biến, giúp hành khách biết chính xác khi nào chiếc xe mình cần xuất hiện. Một số công ty như Samsung cung cấp các thiết bị cảm biến thông minh để kết nối các thiết bị trong gia đình ở khu chung cư với smartphone…
Singapore
Những bước đi đầu tiên của Singapore trong việc kiến tạo đô thị thông minh là xây dựng một mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh trên phạm vi toàn quốc và wi-fi miễn phí cho toàn dân. Kế đó, đảo quốc sư tử hình thành mạng lưới cảm biến đường phố toàn quốc, từ đó làm khung tính phí đường bộ theo mức độ sử dụng thực.
Mạng lưới này sẽ sớm được nâng cấp thành một hệ thống trạm/cổng, tính phí chính xác theo định vị, đồng thời cung cấp thông tin giao thông và dịch vụ sạc tự động ở các bãi đỗ xe bên đường.
Ở các giao lộ, người cao tuổi và khuyết tật có thể quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) ở hộp chờ để có nhiều thời gian qua đường hơn. Ngay cả hệ thống quản lý nước sạch của Singapore cũng thuộc hàng tân tiến nhất thế giới khi chính phủ đang thử nghiệm công nghệ khử muối trong nước biển với mức điện năng tiêu thụ chỉ bằng một nửa so với các phương pháp hiện có.
Ngoài ra, một số dự án được chọn lọc trong Hội đồng Nhà ở và dự án bất động sản ở Singapore cũng đang thử nghiệm các sản phẩm thông minh trong nhà như hệ thống chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng, cảm biến theo dõi cư dân cao tuổi đề phòng trường hợp khẩn cấp, cảm biến thu gom chất thải khí nén tự động để thu gom rác thải không mùi…
Điểm đặc biệt của Singapore là nhờ ứng dụng hệ thống vườn trong phố, vườn tường, vườn mái, vườn ở bất cứ đâu mà Singapore đã trở thành quốc gia có độ che phủ cây xanh cao trên thế giới. Diện tích cây xanh đã chiếm 50% diện tích toàn thành phố.
Theo nangluongsachvietnam