Monday, 23/12/2024 | 12:49 GMT+7

Tiết kiệm điện trong nuôi tôm nhờ cải tiến dàn quạt ô-xy

13/09/2022

Nhờ áp dụng phương pháp cải tiến dàn quạt ô-xy tiết kiệm điện trong quá trình nuôi tôm, Ông Thạch Út (ngụ ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) đã giảm chi phí tiền điện đáng kể và được nhiều nông dân địa phương noi theo.

Hiện nay, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn huyện Cầu Ngang, Trà Vinh tăng mạnh nên nhu cầu về sử dụng điện cho nuôi tôm sẽ tăng theo. Chính vì vậy, việc tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận luôn được người nông dân quan tâm, chú trọng.
Điển hình là hộ nuôi tôm của ông Thạch Út, sinh năm 1973, ngụ ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang. Hộ kinh doanh của ông Út đã áp dụng thành công phương pháp cải tiến dàn quạt ô-xy tiết kiệm điện trong quá trình nuôi tôm. Với hình thức này, quy trình chăm sóc con giống của của hộ kinh doanh sẽ tối giản hơn. Đặc biệt, góp phần giảm áp lực về cung cấp điện, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.
Nhân viên điện lực Cầu Ngang tư vấn lắp dàn quạt tiết kiệm điện cho ông Thạch Út (Ảnh: Báo Trà Vinh)
Theo chia sẻ của ông Thạch Út: "Trước đây, không phải riêng tôi, mà một số hộ nuôi tôm ở xã Thuận Hòa, Cầu Ngang thường sử dụng cánh quạt được gắn cố định trên thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa (đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất) hoặc các tấm ván khoét lổ (đối với dàn quạt sử dụng phao nổi). Với hình thức này, khi hoạt động, sẽ có độ ma sát rất lớn, độ ma sát càng tăng sẽ làm tăng nhiệt độ động cơ, từ đó gây tổn thất trong động cơ… do đó, đòi hỏi người nuôi tôm phải sử dụng mô-tor công suất lớn, dẫn đến điện năng tiêu thụ cao".
Tuy nhiên, nhờ nhân viên Điện lực tư vấn và tự học hỏi kinh nghiệm, nên từ năm 2020 đến nay, ông Thạch Út không sử dụng gối đỡ chữ U để đỡ trục quay dàn quạt ô-xy mà chuyển sang sử dụng ổ trục ma sát lăn (gối đỡ con lăn). Từ đó, góp phần tiết kiệm điện tiêu thụ của động cơ và tăng thời gian sử dụng trục quay.  
Từ giải pháp này, vừa đem lại lợi ích kinh tế nhờ tiết kiệm điện vừa an toàn trong quá trình nuôi. Tính riêng 01 ao, 01 vụ nuôi, với 03 quạt, thời gian 03 tháng, chi phí tiền điện khoảng 12 triệu đồng. Trước khi chưa áp dụng phương pháp cải tiến dàn quạt, chi phí tiền điện từ 15 - 17 triệu đồng.  
Ông Thạch Út hiện có 04 ao nuôi tôm, tổng diện tích 8.000m2, trong đó, ông Út sử dụng 03 ao nuôi, 01 ao lắng. Kể từ khi cải tiến trang thiết bị, chưa vụ nuôi nào thất bại, năm có lợi nhuận cao nhất gần 01 tỷ đồng. Hộ nuôi tôm của ông đã trở thành điển hình để nhiều nông dân địa phương noi theo.
Minh Khuê