Friday, 22/11/2024 | 14:18 GMT+7

C.P. Việt Nam áp dụng nhiều giải pháp để tiết kiệm 20% năng lượng mỗi năm

01/02/2023

Với những nỗ lực trong áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh 3 tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm được mức tiêu hao năng lượng tới 20%/năm. Năm 2022, Công ty đã xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, do Bộ Công Thương tổ chức.

Sau đây là những chia sẻ của ông Worachai Wunsasueb - Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm C.P. Củ Chi về hành trình áp dụng các giải pháp TKNL tại Nhà máy.
Ông Worachai Wunsasueb - Giám đốc Nhà máy Chế biến thực phẩm C.P. Củ Chi chia sẻ về hành trình áp dụng các giải pháp TKNL tại Nhà máy
PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động sản xuất kinh doanh của C.P. Việt Nam và quan điểm của Công ty đối với vấn đề sử dụng hiệu quả năng lượng?
Ông Worachai Wunsasueb: Tập đoàn C.P. Thái Lan (Charoen Pokphand Group) được thành lập năm 1921 với mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực công nông nghiệp liên hoàn bao gồm: phát triển thị trường, phân phối, thông tin truyền thông và một số lĩnh vực kinh doanh khác có mặt tại nhiều khu vực trên thế giới.
Năm 1993, Tập đoàn C.P. mở rộng đầu tư vào Việt Nam thành lập Công ty TNHH Chăn nuôi C.P. Việt Nam, có trụ sở chính tại Khu Công Nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai. Năm 2011 đổi tên thành Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam - CPV). Kinh doanh trong lĩnh vực công nông nghiệp liên hoàn theo mô hình khép kính “Feed - Farm - Food” bao gồm thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại và chế biến thực phẩm. Năm 2016, Công ty tiếp tục đưa vào hoạt động Nhà máy Thực phẩm Củ Chi, mục tiêu là phát triển ngành nông nghiệp, giúp người dân ổn định nghề nghiệp, đáp ứng nguồn thực phẩm tươi, an toàn, chất lượng và truy xuất được nguồn gốc cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Với định hướng của Tập đoàn C.P là trở thành “Nhà bếp của thế giới”, Nhà máy Thực phẩm Củ Chi (CPV-FCC) được trang bị máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến thế hệ mới của Nhật, Đức, Thái Lan. Sản phẩm được sản xuất theo công nghệ dây chuyền liên tục một chiều. Các công đoạn quan trọng được tự động hóa theo công nghệ hiện đại. Quy trình chế biến các sản phẩm được thực hiện theo tiêu chuẩn GMP, HACCP; việc quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn Nhà máy được tuân thủ theo hệ thống ISO 9001 và ISO 22000; đảm bảo có thể kiểm tra, giám sát được các tiêu chuẩn khắt khe nhất của toàn bộ các công đoạn sản xuất, bắt đầu từ nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, Nhà máy Thực phẩm Củ Chi còn tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý Môi trường ISO 14001, Hệ thống quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp ISO 45001 hướng đến mục tiêu “Cân bằng tự nhiên” và đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bền vững, tránh gây tác động tiêu cực đến thiên nhiên.
Ngay từ những ngày đầu kinh doanh, Công ty luôn thực hiện theo cam kết “C.P. luôn mang đến cho khách hàng sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, dịch vụ tốt” và “sản xuất an toàn, tiết kiệm, môi trường sạch đẹp”. Do đó, Công ty đặc biệt quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả và khai thác nguồn năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Công ty luôn khuyến khích cán bộ công nhân viên đề xuất các ý tưởng, giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng và tiết kiệm được nguồn năng lượng lớn. Thông qua quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, C.P. Việt Nam luôn tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hợp lý nhằm giảm khí thải nhà kính, đồng thời áp dụng mô hình quản lý năng lượng phù hợp để giảm thiểu tác động vào môi trường, cân bằng hệ sinh thái, hướng đến sản xuất kinh doanh bền vững. 
Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh 3 tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm được mức tiêu hao năng lượng tới 20%/năm nhờ nỗ lực áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
PV: Vậy Công ty đã quản lý năng lượng như thế nào để đạt hiệu quả sử dụng năng lượng cao nhất?
Ông Worachai Wunsasueb: Nhằm thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng, chúng tôi thành lập hội đồng năng lượng trong cơ cấu tổ chức của Công ty để định hướng, điều hành và liên kết các bộ phận trong Công ty duy trì hoạt động quản lý năng lượng, kiểm soát các chỉ số, tình hình đạt mục tiêu, chỉ tiêu, cũng như thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm/ giảm thiểu năng lượng do Công ty đề ra. Tiếp đến là thuê các đơn vị tư vấn thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm/lần, mới đây nhất là đợt kiểm toán tháng 12/2021.
Bên cạnh đó, Công ty đã cử kỹ sư tham gia các đào tạo khóa đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý năng lượng của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân sự quản lý năng lượng. Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có tất cả 3 cán bộ được cấp chứng nhận Người quản lý năng lượng.
Khi các tư vấn vào kiểm toán, chúng tôi sẽ biết được rất cụ thể, những khâu nào tiết kiệm được nhiều năng lượng và tiết kiệm được bao nhiêu. Mặt khác, vấn đề tiết kiệm năng lượng được thực hiện dưới sự cam kết và đầu tư trang thiết bị, kĩ thuật, nhân lực mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo cho các hoạt động và giám sát hiệu quả đầu tư.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc sử dụng điện năng, do vậy việc tìm kiếm và thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng là một trong những chiến lược phát triển bền vững C.P. Việt Nam. Hàng năm, Công ty đều có những cải tiến, hoặc đầu tư lắp đặt trang thiết bị tiết kiệm năng lượng với số vốn lớn bằng nguồn vốn tự có của Công ty. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn có thể tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để thúc đẩy áp dụng các giải pháp nhanh hơn, đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng lớn hơn.
Tiêu hao năng lượng giai đoạn 2017-2021. Nguồn: C.P. Việt Nam
Qua bảng 1 có thể thấy, trong hai năm 2018, 2019, kết quả ghi nhận suất tiêu hao/đơn vị sản phẩm có xu hướng tăng do Nhà máy Thực phẩm Củ Chi (CPV-FCC) có xây dựng thêm 1 nhà xưởng sản xuất các sản phẩm thức ăn chế biến sẵn với công suất 350 tấn/tháng. Từ năm 2020 đến nay, với việc phát triển và áp dụng các công cụ cải tiến trong sản xuất cũng như thực hiện các chương trình tiết kiệm năng lượng tại Nhà máy (CPV-FCC), kết quả suất tiêu hao/đơn vị sản phẩm đã có những thay đổi vượt bậc, với tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trung bình hàng năm từ năm 2020 đến 2021 là 20%. Đây là thành công rất lớn từ sự cố gắng của toàn thể Công ty trong nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng đã thực hiện 5 năm gần đây tại Nhà máy Thực phẩm Củ Chi (CPV-FCC). Nguồn: C.P. Việt Nam
PV: Vậy mục tiêu của Công ty trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Worachai Wunsasueb: Từ những ngày đầu hoạt động, C.P. Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng giải pháp chuyển đổi thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, áp dụng năng lượng mặt trời… vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Cụ thể: Nhà máy Thực phẩm Củ Chi đã được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời và có kế hoạch thúc đẩy trong việc quản lý bùn thải từ hệ thống xử lý chất thải… Bên cạnh đó, C.P. Việt Nam cũng đề ra các chính sách giảm phát thải nhà kính năm 2030 với mục tiêu giảm 15% so với năm 2020. Trong quá trình thực hiện, C.P. Việt Nam hy vọng sẽ nhận được sự tư vấn của các ban ngành, chính phủ Việt Nam để dự án đạt hiệu quả cao nhất.
PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Công ty trong quá trình triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng?
Ông Worachai Wunsasueb: Một trong những lý do làm tăng lượng tiêu hao năng lượng là do thói quen và ý thức của người lao động khi sử dụng điện. Vì thế, việc tuyên truyền cho CBCNV các lợi ích của việc tiết kiệm điện và các loại năng lượng khác sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc TKNL.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cần tiếp cận với các công cụ cải tiến năng suất như TPM, 5S, Kaizen… Đây không chỉ đơn thuần là công cụ để tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả, mà còn góp phần vào việc phát triển con người, giúp mỗi người lao động từng bước nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm hơn với công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Một điểm quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý là cần thay thế các thiết bị cũ bằng các thiết bị hiện đại,tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị cũ thông thường sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Ngoài ra, một số thiết bị, máy móc cũ lâu đời còn có thể rò rỉ điện và gây nguy cơ cháy nổ. Vì vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc thay thế bằng các thiết bị hiện đại khác vừa an toàn vừa tiết kiệm hơn.
Bên cạnh đó cần có chương trình bảo dưỡng, bảo trì thiết bị, dây chuyền sản xuất nhằm giảm tải cho lưới điện. Cần kiểm soát tất cả các khu vực và hệ thống tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn vào giờ cao điểm. Tối ưu hóa các loại thiết bị có mức sử dụng điện năng cần thiết vừa đủ để tránh sự lãng phí điện năng, không để các thiết bị điện hoạt động không tải, và tận dụng các nguồn nhiệt dư thừa để tái sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ngoài ra, việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái cũng là một giải pháp giúp giảm lượng điện năng tiêu thụ. Đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ là vấn đề tiết kiệm năng lượng cho từng cơ sở tiêu thụ mà còn góp phần giảm phụ tải cho hệ thống điện chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Một điểm quan trọng cần lưu ý nữa là cần xây dựng mô hình quản lý hệ thống năng lượng trong Nhà máy giúp các các doanh nghiệp kiểm soát được việc sử dụng năng lượng một cách hệ thống, từ đó tìm ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
PV: Ông đánh giá thế nào về giải thưởng thường niên Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp do Hội KH&CN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo TKNL - Bộ Công Thương tổ chức?
Ông Worachai Wunsasueb: Chúng tôi thực sự đánh giá rất cao vai trò của cuộc thi này với các doanh nghiệp. Bởi đây là một sân chơi công bằng, khách quan nhất để các doanh nghiệp cả nước có cơ hội được ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời khuyến khích, thúc đẩy và lan tỏa cho các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng dụng năng lượng sạch trong hoạt đông sản xuất kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo: Tạp chí Công Thương