Friday, 06/12/2024 | 14:28 GMT+7

Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc sử dụng các thiết bị hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng

27/09/2024

Việc sử dụng các thiết bị hiệu suất cao và áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 vào quá trình vận hành, khai thác giúp tổng mức tiết kiệm năng lượng của tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc có thể đạt 35,8%.

Trung tâm Dữ liệu Viettel Hòa Lạc - Tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc là trung tâm dữ liệu (TTDL) lớn nhất thuộc sở hữu của Công ty TNHH Viettel - CHT (Viettel IDC), được thiết kế, xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm 2023 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA 942-B Rated 3. Đây cũng là một trong số các trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Là một doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, Viettel IDC luôn tuân thủ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ngay từ giai đoạn thiết kế Viettel IDC luôn ưu tiên việc ứng dụng các công nghệ mới, sử dụng thiết bị có hiệu suất năng lượng cao. Công tác vận hành khuyến khích các sáng kiến ý tưởng tiết kiệm năng lượng và có chính sách khen thưởng phù hợp.
Tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc được thiết kế lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thân thiện và gần gũi với môi trường. Các bề mặt được xây dựng 2 lớp với 1 lớp kín và 1 lớp đục lỗ thoáng vừa đảm bảo an toàn công năng kỹ thuật vừa tạo khoảng không giúp đối lưu không khí, giải nhiệt cho công trình hiệu quả.
Tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc.
Anh Nguyễn Đình Tuấn - Trưởng phòng kỹ thuật Viettel IDC cho biết: Tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc gồm 07 tầng chức năng và 01 tầng mái, được sử dụng làm TTDL với tổng công suất thiết kế 24 MW. Viettel IDC có 08 phòng máy nằm ở tầng 5 và tầng 6 của tòa nhà, trong đó có 02 phòng máy lớn và 02 phòng máy nhỏ. TTDL được quy hoạch đầu tư phân kỳ thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, quy mô khoảng 274 Rack (tương đương với mức công suất điện là 1.6MW); Giai đoạn 2, quy mô khoảng 547 Rack (tương ứng với mức công suất là 3.2MW). Giai đoạn 3, quy mô khoảng 273 Rack (tương ứng với mức công suất là 1.6MW). Công suất tủ mạng (rack) cao gấp 3 lần mức trung bình, đáp ứng xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) với yêu cầu về các con chíp hiệu năng cao để gia tăng khả năng tính toán.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tất cả các thiết bị được đầu tư cho dự án như: hệ thống máy phát điện, tủ điện phân phối, UPS, hệ thống làm mát chiller… đều là các thiết bị có công nghệ mới nhất của các hãng lớn trên thế giới, đạt hiệu suất cao có khả năng nâng cấp, mở rộng đáp ứng các nhu cầu trong tương lai. “Khi dự án được đưa vào hoạt động cung cấp dịch vụ, các thiết bị hoạt động với hiệu suất cao hơn các trung tâm dữ liệu cũ. Kết hợp với việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng mới từ thực tế đã triển khai ở các trung tâm dữ liệu trước đó, Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc dự kiến giảm thiểu đáng kể việc sử dụng năng lượng điện so với các Trung tâm dữ liệu cũ, hoàn thành và thậm chí vượt mục tiêu tiết kiệm năng lượng theo kế hoạch”, anh Tuấn thông tin.
Hệ thống làm mát chiller công nghệ mới nhất của các hãng lớn trên thế giới.
Chia sẻ về các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã thực hiện, anh Tuấn cho biết: Phòng máy chủ được thiết kế sử dụng sản nâng thổi gió lạnh âm sàn, kết hợp với việc quy hoạch hành lang nóng lạnh, sử dụng lồng ngăn cho hành lang lạnh và các tâm blanking panel để ngăn chặn khí nóng trộn lẫn với khí lạnh. Đây là bộ kết hợp giải pháp hiệu quả nhất để tiết kiệm năng lượng cho TTDL.
Theo đó, sàn nâng giúp luồng gió lạnh thổi âm sàn được phân luồng đúng đến các điểm cần làm mát thông qua các tấm sàn lỗ. Toàn bộ khoảng không dưới sàn nâng trở thành vùng dẫn, điều tiết và phân bổ luồng khí lạnh, độc lập với các vùng khác, có chức năng tương tự như các ống gió điều hòa. Việc này giúp giảm thiểu suy hao, thất thoát nhiệt do phân bổ luồng khí không chính xác, nâng cao hiệu suất điều hòa.
Quy hoạch hành lang nóng lạnh thực hiện bằng cách lắp đặt các thiết bị CNTT để hướng quạt làm mát của thiết bị về cùng một hành lang. Việc quy hoạch giúp cho luồng khí lạnh không bị lẫn với khí nóng đi ra từ thiết bị, tối ưu nhiệt làm mát cho thiết bị
Tại tủ Rack khu vực hành lang lạnh được quây lồng ngăn và lắp đặt tấm ngăn blanking panel để ngăn chặn khí lạnh thất thoát sẽ giúp tối đa hoá hiệu suất làm mát thiết bị, giúp giảm đáng kể năng lượng tiêu tốn cho hệ thống điều hoà không khí.
"Qua quá trình theo dõi thực tế, việc áp dụng kết hợp các giải pháp như vậy sẽ tăng nhiệt độ gió hồi vào hệ thống điều hoà từ 24oC lên đến 28-30oC mà không ảnh hưởng đến môi trường làm việc của thiết bi. Từ đó giảm thiểu đáng kể công suất tiêu thụ của hệ thống điều hoà. Giải pháp ước tính tiết kiệm khoảng 17.6% năng lượng tiêu thụ giữa toàn phòng máy", anh Tuấn cho biết.
Sàn nâng thổi gió lạnh âm sàn kết hợp với lồng ngăn lạnh.
Để đảm bảo mục tiêu tiết kiệm năng lượng, hệ thống làm mát cho TTDL sử dụng hệ thống chiller giải nhiệt nước với các công nghệ tiên tiến và hiệu suất cao thay thế cho hệ thống điều hoà chính xác giải nhiệt. Giải pháp ước tính tiết kiệm khoảng 30-35% chi phí điện năng tiêu thụ hằng năm.
Ngoài ra, TTDL cũng sử dụng các thiết bị hiệu suất cao như: UPS hiệu suất cao Ecoconversion giúp tiết kiệm khoảng 2% so với UPS thường (tính tại điểm thường sử dụng của UPS là 50%); Hệ thống chiếu sáng đèn Led cho toàn phòng máy; Các thiết bị như Server, Storage và Network hiệu suất cao và tiết kiệm năng lượng kết hợp với các giải pháp áo hoá, điện toán đám mây để nâng cao hiệu suất sử dụng thiết bị.
Đối với phòng máy chủ không sử dụng cửa sổ để ngăn chặn hoàn toàn các nguy cơ làm giảm hiệu năng làm mát điều hoà.
UPS hiệu suất cao Ecoconversion.
Bên cạnh đó việc đầu tư h thống phần mềm DCIM kết hợp với các thiết bị cảm biến, đo đếm năng lượng, giám sát hệ thống (IoT) đã đóng vai trò là một công cụ đắc lực, giúp theo dõi, giám sát trực tiếp quá trình vận hành trong toàn phòng máy chủ. Đảm bảo nhân viên vận hành khai thác phát hiện và xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường, ngăn chặn sự cố cũng như các lỗi vận hành có thể gây giảm hiệu quả sử dụng năng lượng.
Song song với các giải pháp kỹ thuật, thiết bị tối ưu nhất thì quá trình vận hành khai thác để tiết kiệm năng lượng cũng được chú trọng. Cụ thể, Viettel IDC đã áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018. Việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng này giúp đưa ra các cách thức đo đạc đánh giá, giám sát để có các biện pháp tối ưu, nâng cao hiệu suất sử dụng, thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thiết bị định kỳ, thường xuyên để đảm bảo tình trạng hoạt động, hiệu suất thiết bị ở mức tốt nhất.
"Việc áp dụng các giải pháp trên giúp tổng mức tiết kiệm năng lượng của tòa nhà Trung tâm kỹ thuật Viettel Hòa Lạc có thể đạt 35,8% so với các TTDL đã đưa vào sử dụng trước đó là TTTDL Viettel IDC N4(2009) và N6 (2016) Hoàng Hoa Thám-TP.Hồ Chí Minh và TTDL Bình Dương". anh Nguyễn Đình Tuấn nói.
Với kinh nghiệm hơn 15 năm cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, Viettel IDC đã liên tục cải tiến, ứng dụng mạnh mẽ những công nghệ mới để tối ưu nhiên liệu, giảm phát thải ra môi trường, hướng tới phát triển bền vững để từng bước mang đến cho khách hàng những dịch vụ với trải nghiệm tốt hơn.
Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đang nắm giữ nhiều chứng chỉ xanh như tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn về quản lý tác động môi trường, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh lao động. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.
Anh Thư