Friday, 08/11/2024 | 02:37 GMT+7
Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới đã khảo sát 21 nhà máy chế biến thủy sản trong tổng số 193 nhà máy tại ĐBSCL và ghi nhận chỉ có 40% số nhà máy này quan tâm đến tiết kiệm năng lượng.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Hiện trạng sử dụng năng lượng và tiềm năng giảm chi phí năng lượng trong ngành chế biến thủy sản" do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và IFC tổ chức chiều tối ngày 14-1 tại TPHCM.
IFC là thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. IFC hoạt động vì sự phát triển kinh tế bền vững của các nước phát triển thông qua các hoạt động phát triển khu vực tư nhân, cung cấp các dịch vụ tư vấn và giảm thiểu các rủi ro cho các doanh nghiệp và chính phủ. Một trong những hoạt động gần đây của IFC tại Việt Nam là dự án Sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn (CP-EE) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa để đạt hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm năng lượng, tăng trưởng năng suất và bảo vệ môi trường. |
21 nhà máy (có 11 nhà máy chế biến tôm, 10 nhà máy chế biến cá tra) được khảo sát đều đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001.
“Hầu hết các nhà mày nằm trong đợt khảo sát này đều chưa có nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng và gần một nửa số các cán bộ kỹ thuật của các nhà máy không nhận thức được vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng” một cán bộ của IFC nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
Theo IFC, các nhà máy chế biến thủy sản có thể giảm được 20% nguồn năng lượng sử dụng nếu biết đầu tư vào kỹ thuật tự phân tích số liệu sử dụng năng lượng cũng như ý thức tiết kiệm năng lượng của nhân viên cấp dưới. Theo các chuyên gia kỹ thuật thuộc IFC thì năng lượng chiếm từ 15-20% chi phí sản xuất của mỗi kilôgam thủy sản thành phẩm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến thủy sản vừa và nhỏ tại ĐBSCL vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản xuất.
Theo TBKT SG