Monday, 20/01/2025 | 16:08 GMT+7

Hiệu quả từ chương trình chiếu sáng lớp học tiết kiệm điện năng

23/06/2011

Theo tính toán, nếu 1 trường học cải tạo được 30 phòng học theo mô hình chuẩn, mỗi tháng số tiền tiết kiệm được sẽ khoảng 2,3 triệu đồng. Xây dựng tiêu chuẩn chiếu sáng lớp học theo quan điểm hiệu quả, tiết kiệm năng lượng là rất cần thiết. Lựa chọn nguồn sáng chất lượng cao, hiệu suất cao không chỉ mang lại hiệu quả tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Cả nước hiện có khoảng 30 000 lớp học được áp dụng mô hình chiếu sáng hiệu suất cao. Dự án chiếu sáng trường học hiệu quả và tiết kiệm năng lượng không chỉ đem đến hiệu quả kinh tế là giảm chi phí điện mà trên hết còn tạo môi trường giáo dục chuẩn, phục vụ tốt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.


truong hoc.jpg

Hệ thống chiếu sáng trường học đạt tiêu chuẩn

 

Dưới sự hỗ trợ từ dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam (VEEPL ) và Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chiếu sáng trường học đã được cải thiện rất nhiều trong 2 năm qua. Từ mô hình trình diễn tại Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội đến nay mô hình chiếu sáng hiệu quả điện năng đã được nhân rộng ra với hàng ngàn lớp học trên toàn quốc.

 

Kinh nghiệm huy động tài chính

 

Hỗ trợ xây dựng, trình diễn và nhân rộng các mô hình chiếu sáng trường học hiệu suất cao là một trong các hoạt động quan trọng của Dự án VEEPL. Dự án đã phối hợp với các đối tác thực hiện thành công việc xây dựng và trình diễn mô hình cho các cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Kết quả trình diễn ở một số trường học cho thấy các mô hình  được đề xuất là đảm bảo tiêu chuẩn chiếu sáng quốc gia, tiết kiệm điện năng và có thể áp dụng để thay thế các hệ thống chiếu sáng cũ không tiết kiệm điện và không đạt tiêu chuẩn chiếu sáng.

 

“Khó khăn khi triển khai dự án chính là vấn đề huy động tài chính. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các địa phương đã đưa ra rất nhiều sáng kiến hay huy động vốn tự có từ doanh nghiệp và người dân” - TS Phan Hồng Khôi, Giám đốc điều hành Dự án Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao.


hai phong cshsc.jpg

Phòng học chiếu sáng hiệu suất cao tại trường trung học An Dương, Hải Phòng

 

Hải Phòng là một trong những địa phương sớm triển khai chương trình chiếu sáng trường học theo hướng tiết kiệm điện năng. Năm 2009 toàn Thành phố đã thực hiện cải tạo 606 phòng học với tổng số vốn giải ngân gần 3,2 tỷ đồng trong đó 30% vốn ngân sách, 70% vốn huy động xã hội hoá. Năm học 2010-2011 Thành phố có hoạch cải tạo hệ thống chiếu sáng cho 2.150 phòng học đảm bảo đạt tiêu chuẩn Việt Nam, tổng kinh phí đầu tư khoảng 17,5 tỷ đồng, trong đó nguồn đầu tư từ chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả  gần 5 tỷ đồng.

 

Theo ông Đỗ Thế Hùng, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo TP Hải Phòng, để dự án thành công quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các ban ngành. Ở Hải Phòng, UBND các quận, huyện đã cùng với Sở GD&ĐT chỉ đạo và tạo điều kiện về cơ chế huy động vốn đối ứng cho các trường tham gia Dự án. Có huyện đã đứng ra mời các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ phần đóng góp 30% đối ứng, có huyện sử dụng nguồn xây dựng cơ bản từ ngân sách của huyện đối ứng.


ha noi.jpg

1 trường học cải tạo  30 phòng học theo mô hình chuẩn, mỗi tháng số tiền tiết kiệm được là 2,3 triệu đồng.

 

Để triển khai được việc cải tạo, nâng cấp các phòng học, các trường phải có phần kinh phí đối ứng 30%.Trong quá trình thực hiện đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả được áp dụng như đưa hội cha mẹ học sinh đi thăm quan các trường đã cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng; đề nghị hội cha mẹ học sinh tham gia góp vốn đồng thời trực tiếp giám sát, lắp đặt.

 

Qua triển khai hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cho hơn 2.000 phòng học, ông Đỗ Quang Hoà, Trưởng phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chia sẻ, vốn thực hiện dự án có thể lồng ghép vào các chương trình và dự án khác như Chương trình xoá nhà cấp 4, xây dựng trường đạt tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia, các dự án xây mới hoặc cải tạo chống xuống cấp các trường học hàng năm. Kết quả, toàn Thành phố đã huy động được gần 50% kinh phí tự có của các trường. Một số trường đã tự cân đối được kinh phí cải tạo chiếu sáng học đường khi chưa được cân đối kinh phí từ nguồn ngân sách .

 

Cải thiện chất lượng giáo dục

 

Trường tiểu học Nguyễn Du, Hà Đông, Hà Nội trước đây mỗi lớp học sử dụng 6 bóng đèn sợi đốt công suất 100W, tổng công suất 600W, độ rọi trung bình 68lux. Sau khi tham gia cải tạo trường đã tiến hành thay thế bằng 11 bóng đèn với tổng công suất 434 W. Với hệ thống chiếu sáng mới mỗi lớp đã tiết kiệm được 27% điện năng tiêu thụ, độ rọi tăng 5 lần.


chieu-sang-.jpg

 

Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, TP Hồ Chí Minh cũng giảm tiêu thụ 43% điện năng cho chiếu sáng nhờ áp dụng giải pháp chiếu sáng hiệu suất cao.  Theo tính toán, nếu 1 trường học cải tạo được 30 phòng học theo mô hình chuẩn, mỗi tháng số tiền tiết kiệm được sẽ khoảng 2,3 triệu đồng.

 

TS Trần Đình Bắc, Trưởng ban KHCN &ĐT, Hội chiếu sáng Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát thực trạng chiếu sáng trường học ở nước ta cho thấy đa phần lớp học sử dụng đèn  T10-40W không lắp chóa phản quang, lắp đặt không đạt tiêu chuẩn. Hệ thống chiếu sáng này là nguyên nhân chính dẫn đến số học sinh mắc bệnh  cận thị cao. Chính vì thế, xây dựng tiêu chuẩn chiếu sáng lớp học theo quan điểm hiệu quả, tiết kiệm năng lượng là rất cần thiết. Lựa chọn nguồn sáng chất lượng cao, hiệu suất cao không chỉ mang lại hiệu quả tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.


Trần Liễu