Friday, 08/11/2024 | 05:02 GMT+7

Khó khăn nguồn điện mùa khô

29/01/2012

Trung tâm (TT) dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết lưu lượng thủy văn của mùa khô năm 2012 thấp hơn từ 20 - 40% so với cùng kỳ. Tình hình cung ứng điện sẽ ra sao?

Trung tâm (TT) dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết lưu lượng thủy văn của mùa khô năm 2012 thấp hơn từ 20 - 40% so với cùng kỳ. Tình hình cung ứng điện sẽ ra sao?

Khô hạn nghiêm trọng

Theo thông tin mới nhất từ TT dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, dòng chảy toàn mùa khô ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn mức trung bình nhiều năm khoảng 15 - 20%, ở thượng lưu nhỏ hơn 20 - 25%. Trên sông Hồng tại Hà Nội, lưu lượng trung bình các tháng ở mức 800 - 900m3/giây, trung bình nhiều năm là 1.180 m3/giây. Mực nước thấp nhất tại trạm thủy văn Hà Nội có khả năng ở mức 0,2m.

Tại Bắc Trung bộ, đầu mùa khô, dòng chảy trên các sông Thanh Hóa, Hà Tĩnh ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 30 - 40%, giữa và cuối mùa có khả năng thấp hơn khoảng 15 - 25%. Dòng chảy hầu hết các sông ở Trung và Nam Trung bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 - 40%.

Theo TT dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, mùa khô năm 2012 sẽ tiếp tục xảy ra thiếu nước và khô hạn ở vùng Đông Bắc, vùng núi phía Bắc và trung du Bắc bộ. Tình trạng khó khăn trong giao thông đường thủy, cấp nước và phát điện trong mùa khô năm 2012 sẽ căng thẳng vào cuối vụ.

Bà Nguyễn Lan Châu - chuyên gia cao cấp của TT dự báo khí tượng thủy văn T.Ư - cho rằng dòng chảy trên các sông suối ở mức thấp, đương nhiên, hồ thủy điện sẽ khó có thể được tiếp đủ nước phục vụ cho phát điện, đặc biệt cuối mùa khô. “Hiện 3 hồ thủy điện lớn là Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đang xả nước để phục vụ 12 tỉnh phía Bắc gieo cấy trên 650.000 ha lúa đông xuân. Dự kiến, sau 2 đợt xả, các hồ này mất đi khoảng 3 tỉ m3 nước. Cộng thêm khô hạn được dự báo là sẽ nghiêm trọng, các hồ thủy điện chắc chắn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước”, bà Châu nói.

44d4b355f_dien.jpg

Các hồ thủy điện thiếu nước, việc cung cấp điện trong mùa khô 2012 dự báo gặp nhiều khó khăn - Ảnh: Ngọc Thắng


Việc các hồ thủy điện khó khăn nguồn nước đương nhiên sẽ tác động lớn, làm hụt sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện - nguồn điện phát lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, bên lề hội nghị tổng kết năm 2011 của Tập đoàn điện lực VN (EVN), trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoàng An, Phó TGĐ EVN, khẳng định: “Năm 2012 sẽ đủ điện nếu không có gì quá bất thường như tăng trưởng kinh tế đột biến hoặc sự cố nguồn rất lớn. Theo cân đối hiện nay của EVN thì 6 tháng mùa khô sẽ đảm bảo đủ điện”.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình, cho biết thủy điện Hòa Bình sẽ xả 2,2 tỉ m3 nước phục vụ vụ đông xuân, nếu thời tiết khô hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc dự trữ nước cho phát điện trong mùa khô năm 2012. Tuy nhiên, ông Thành cũng khẳng định mục tiêu lớn là cố gắng đảm bảo đủ điện cho mùa khô, nắng nóng sắp tới.

Giá điện sẽ tăng


Lãnh đạo EVN khẳng định năm 2012 sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện, ngay cả trong mùa khô. Sự tự tin của EVN bắt nguồn từ việc năm 2012 tập đoàn này được bổ sung thêm nguồn từ nhà máy Đồng Nai 4, tổ máy 5 - 6 nhà máy thủy điện Sơn La… Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ EVN, cho biết hệ thống điện sẽ được bổ sung thêm 2.692 MW, riêng vận hành trong 6 tháng đầu năm là 1.265 MW.

Theo kế hoạch cung cấp điện, năm 2012, EVN sẽ sản xuất và mua 118,5 tỉ kWh điện, tăng 11,5% so với thực hiện năm 2011, gồm điện do EVN sản xuất là 50,88 tỉ kWh, điện mua ngoài là 67,62 tỉ kWh (trong đó nhập khẩu điện từ Trung Quốc 4,65 tỉ kWh).

Lượng điện mua ngoài chiếm tới 57% sản lượng điện phát cả năm 2012 sẽ tiếp tục gây áp lực lớn lên khoản nợ của EVN với các doanh nghiệp (DN) khác đặc biệt là Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tập đoàn than khoáng sản VN (Vinacomin). Theo ông Vũ Huy Quang, TGĐ TCT điện lực dầu khí VN (PV Power), khoản nợ của EVN với DN này đã lên tới 14.000 tỉ đồng (trong đó 2.000 tỉ đồng lãi phát sinh do chậm trả). PV Power đã phải gửi công văn lên Bộ Tài chính, Bộ Công thương yêu cầu can thiệp giải quyết khoản nợ khó đòi này. Khoản nợ 1.500 tỉ đồng của EVN với các đơn vị thành viên của Vinacomin hiện cũng chưa có phương án thanh toán chính thức.

Bù đắp từ nhiệt điện

Nếu thủy điện không đảm bảo công suất, EVN sẽ phải huy động bù đắp từ các nhà máy chạy dầu, khí với giá thành sản xuất điện cao hơn nhiều so với thủy điện. Lãnh đạo EVN cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo, nếu không cung cấp đủ khí, than cho sản xuất điện sẽ rất khó khăn cho việc đảm bảo cung ứng đủ điện. Cảnh báo này liên quan tới việc PVN dự kiến năm 2012 chỉ cấp cho EVN 5,7 tỉ m3 khí.  Chính phủ đã chỉ đạo PVN phải cung ứng đủ khí cho EVN. Sự chần chừ của PVN xuất phát từ việc EVN vẫn là con nợ lớn của tập đoàn này, trong khi bản thân các đơn vị con của PVN cũng là nguồn tiêu thụ khí lớn.

Theo Thanhnien